Nhiều giải pháp nhân rộng mô hình chợ an toàn thực phẩm

Thứ sáu - 28/10/2022 03:35
Hiện nay, 75% thị trường bán lẻ của nước ta vẫn phụ thuộc vào các chợ dân sinh. Với đặc thù khó kiểm soát nguồn đầu vào cũng như mất an toàn thực phẩm, việc nhân rộng các mô hình chợ an toàn thực phẩm là điều vô cùng cần thiết.
Hơn 2 năm thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, trong đó nhiệm vụ giao cho Bộ Công Thương là “Chỉ đạo phát triển hệ thống phân phối thực phẩm an toàn, quản lý chợ an toàn thực phẩm”.
 
Đến nay, cả nước đã xây dựng được 66 mô hình chợ thí điểm bảo đảm An toàn thực phẩm (ATTP) tại 62/63 tỉnh/TP (từ nguồn vốn ngân sách Trung ương). Trước hiệu quả đạt được của mô hình thí điểm, các tỉnh đã và đang thực hiện việc duy trì và nhân rộng mô hình bằng nguồn ngân sách địa phương.
 
Trên cơ sở đó, Tạp chí Công Thương đã tổ chức Chương trình Tọa đàm “Giải pháp nhân rộng mô hình chợ an toàn thực phẩm”. Tham gia Tọa đàm có bà Lê Việt Nga – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương); ông Đinh Lâm Sáng - Phó Giám đốc Sở Công Thương Bắc Kạn; ông Hoàng Minh Luân - Phó Tổng giám đốc - HTX chợ Hải An, Ủy viên BCH Hiệp hội Phát triển chợ Việt Nam; ông Nguyễn Xuân Anh Tuấn - Phó giám đốc Dự án cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm (LIFSAP).  
 
Nhiều khó khăn khi triển khai
 
Năm 2010, Luật ATTP được ban hành và quy định rõ ràng về quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong bảo đảm an toàn thực phẩm… Chính vì vậy, tất cả các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương đã được phân công chỉ đạo rõ ràng, thuận lợi trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ. Cùng với đó, Bộ Công Thương đã nhận được hỗ trợ lớn từ chương trình mục tiêu quốc gia về An toàn vệ sinh thực phẩm giai đoạn 2011- 2015 cũng như các bộ ban ngành.
 
Đồng thời, nguồn hàng vào thị trường trong nước, đặc biệt là vào các chợ truyền thống đang dần được kiểm soát. Các vùng trồng nguyên liệu sạch của các địa phương dần được đẩy mạnh, nhờ vậy có nhiều nguồn cung an toàn vào các chợ truyền thống hơn, nguồn gốc xuất xứ rõ hơn. 
 
Tuy nhiên, theo bà Lê Việt Nga – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), việc thí điểm chợ ATTP còn gặp nhiều khó khăn. “Việt Nam chúng ta có 8549 chợ truyền thống (cập nhật cuối tháng 12/2021); 80% chợ ở khu vực nông thôn và 86% là chợ hạng 3 - chợ dân sinh quy mô nhỏ. Điều kiện hạ tầng, cơ sở vật chất còn kém, nguồn vốn chưa hấp dẫn nhà đầu tư”.
Bà Lê Việt Nga – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) chia sẻ về thực trạng của công tác thí điểm mô hình chợ ATTP. 
Nguồn hàng vào các chợ dân sinh còn gặp nhiều khó khăn, phần lớn tiểu thương lấy hàng từ các chợ đầu mối hoặc các vùng tự cung tự cấp của các địa phương. Công tác truy xuất nguồn gốc hàng hóa đối với các nguồn hàng này gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, cần phải có sự liên kết chặt chẽ hơn nữa, để nguồn hàng về các chợ đầu mối và chợ dân sinh đảm bảo ATTP.
 
Là một vùng có vị trí địa lý đặc biệt, địa hình chưa thuận lợi, giao thương còn gặp nhiều khó khăn, cùng với đó dân số phân tán nên sinh hoạt chợ khác hẳn so với các tỉnh đồng bằng khác, tỉnh Bắc Kạn cũng gặp nhiều khó khăn trong việc nhân rộng mô hình thí điểm chợ ATTP. 
 
Theo ông Đinh Lâm Sáng - Phó Giám đốc Sở Công Thương Bắc Kạn: “Khó khăn thứ nhất là tập quán tiêu dùng của người dân, bên cạnh đó người dân cũng chưa thực sự quan tâm đến vấn đề ATTP, chính vì vậy thay đổi nhận thức là khó nhất. Tiếp đó, cơ sở hạ tầng được đầu tư khá·lâu nên đã xuống cấp. Tiếp đó, tiểu thương cũng chưa mặn mà trong việc nhân rộng mô hình…”
Ông Đinh Lâm Sáng - Phó Giám đốc Sở Công Thương Bắc Kạn chia sẻ tại chương trình.
Cần có giải pháp cụ thể
Hiện nay, 75% thị trường tiêu dùng bán lẻ vẫn phụ thuộc vào chợ dân sinh, có thể khẳng định rằng chợ vẫn còn tồn tại lâu dài. Trải qua thời gian dịch bệnh, công các hoạt động của các chợ truyền thống lại càng phát huy vai trò là một mắt xích quan trọng. Trong thời gian tới, để triển khai được các mô hình nhân rộng chợ ATTP cần nhiều yếu tố. 
 
Theo ông Hoàng Minh Luân - Phó Tổng giám đốc - HTX chợ Hải An, Ủy viên BCH Hiệp hội Phát triển chợ Việt Nam: "Yếu tố đầu tiên cần quan tâm đó là cơ sở hạ tầng, chợ cần phải có hệ thống xử lý nước thải, thu gom rác thải... Đồng thời, cần phải thu dọn rác thải trong ngày, không để tích trữ qua ngày. Yếu tố quan trọng tiếp theo đó là về công tác quản lý và chế tài xử lý cũng như tạo sự lan tỏa rộng rãi đến các tầng lớp nhân dân và doanh nghiệp, sắp xếp được cách ngành hàng kinh doanh thực phẩm theo đúng quy định. Nâng cao chất lượng phục vụ thuận lợi cho các hoạt động mua bán..." 

Ở góc độ Trung ương, bà Lê Việt Nga – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng cần có những cơ chế chính sách phù hợp để có thể liên kết được tổng lực của toàn xã hội từ trung ương đến địa phương, giữa các cơ quan bộ ngành với nhau, đặc biệt là khối doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia vào công tác ATTP tại chợ truyền thống. 
Cũng theo đại diện Vụ Thị trường trong nước, trong giai đoạn tới sẽ có rất nhiều những cơ chế chính sách được thực thi, sẽ có những chính sách mới tiếp tục được ban hành để hỗ trợ để hỗ trợ bảo đảm ATTP nói chung và bảo đảm ATTP ở chợ nói riêng.
 
Cùng chung mục tiêu góp phần bảo đảm ATTP, ông Hoàng Minh Luân - Phó Tổng giám đốc - HTX chợ Hải An, Ủy viên BCH Hiệp hội Phát triển chợ Việt Nam cho biết thời gian qua phía dự án đã tạo ra nhiều quy trình chuẩn đối với xây dựng một mô hình liên kết từ trang trại cho đến khu vực giết mổ và ra đến tiểu thương. Từ đó tạo ra một khuôn mẫu cho gần 600 khu chợ, tập huấn được gần 30.000 tiểu thương.
Ông Hoàng Minh Luân - Phó Tổng giám đốc - HTX chợ Hải An, Ủy viên BCH Hiệp hội Phát triển chợ Việt Nam đề xuất các chợ ATTP cần áp dụng một quy trình nhất định để hoạt động hiệu quả. 
Chia sẻ về các phải pháp từ phía các địa phương, đại diện Sở Công Thương Bắc Kạn cho biết sẽ tiếp tục tham mưu cho phía tỉnh để có một nguồn vốn nhất định cho hoạt động này, một mặt sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền các hộ kinh doanh cũng như người dân về việc ATTP. Sẽ tổ chức các lớp tập huấn về ATTP cho tiểu thương và nhà quản lý có chợ, đặc biệt là các thôn có tiêu chí nông thôn mới.
 
Cùng với đó kết hợp với các hợp tác xã, doanh nghiệp tại các chợ, phối hợp với nhiều chương trình khác nhau và ưu tiên  tập huấn "cầm tay chỉ việc", đồng thời xử phạt công khai những người vi phạm… “Cần phải nói cho người dân biết, người dân sẽ được gì từ chợ ATTP, khi vi phạm sẽ bị làm sao, ngoài động viên chấp hành vẫn phải có những chế tài xử lý khi buôn bán sản phẩm không đảm bảo ATTP". - đại diện Sở Công Thương Bắc Kạn nhấn mạnh.

Tác giả bài viết: https://khcncongthuong.vn/tin-tuc/t17287/nhieu-giai-phap-nhan-rong-mo-hinh-cho-an-toan-thuc-pham.html

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Thành viên liên kết
HTX Tư vấn thiết kế và xây dựng Việt Nam
bcsmart
Liên hiệp HTX Ocop Việt Nam
GMG
ocopshop
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây