Đến sáng 16/10, Ban Quản lý (BQL) và tiểu thương các chợ trên địa bàn tỉnh bắt tay dọn dẹp, sắp xếp lại các mặt hàng để hoạt động trở lại, đồng thời, theo dõi thông tin, diễn biến của bão số 6 để có các phương án phòng, chống thích hợp.
Thiệt hại không quá nặng
Bà Cao Thị Mộng Đẹp – chủ đầu tư chợ Phú Bài (TX. Hương Thủy) cho biết, nhờ chợ nằm ở khu vực cao và trước khi xảy ra mưa to (14, 15/10), BQL chợ và tiểu thương đã di chuyển, kê cao hàng hóa, vật dụng, nhất là những đồ dễ hư hỏng do thấm ướt; tháo bạt che, biển hiệu…nên thời điểm mưa lớn gây ngập lụt nhiều nơi, chợ Phú Bài không ngập nước, hơn 400 ki ốt, trong đó khoảng 100 ki ốt đồ khô, gia vị, vàng mã, gạo…không bị ảnh hưởng. Hiện, BQL chợ và tiểu thương đang hạ đồ đạc, vật dụng và mở quầy buôn bán trở lại.
Tại chợ Đông Ba, mưa lớn làm ngập lụt khu vực ki ốt phía đường Chương Dương từ 0,3m – 0,4m. Theo bà Hoàng Thị Như Thanh – Trưởng BQL chợ, khu vực này có hơn 350 ki ốt, trong đó có khoảng 15 ki ốt gạo. Nhờ chủ động trong công tác phòng, chống nên các quầy hàng ở khu vực này, nhất là gạo, đồ khô…không bị thiệt hại.
"Nước rút đến đâu dọn dẹp đến đó, ngay khi có nước có dấu hiệu xuống, BQL chợ đã bắt tay kê dọn, vệ sinh khu vực ngập lụt, ước tính chúng tôi dọn khoảng 15 m3 rác. Đến sáng 16/10, đã có một số tiểu thương mở quầy buôn bán trở lại”, bà Thanh thông tin.
Bên cạnh một số chợ ở nơi cao như chợ An Lỗ (Quảng Điền), chợ Bến Ngự (TP. Huế)… hay những chợ ở khu vực có phần thấp trũng như chợ Cống, chợ An Cựu (TP. Huế)…, nhờ chủ động trong công tác phòng, chống lụt bão nên thiệt hại của các tiểu thương không đáng kể.
“Nhờ nằm ở khu vực cao nên mưa lụt không ảnh hưởng đến các quầy hàng của tiêu thương, ngoại trừ 1 hàng gia vị trong tổng số 15 hàng gia vị trong chợ bị mưa tạt ướt, nhưng không nhiều”, đại diện BQL chợ Bến Ngự thông tin.
Trên địa bàn TP. Huế, tại chợ Tây Lộc, dù hơn 700 ki ốt, trong đó có hơn 40 ki ốt bán đồ khô đã được kê cao nhưng do ở khu vực thấp trủng, nước lên nhanh nên nhiều ki ốt trong chợ bị ngập, tuy nhiên, thiệt hại không quá nặng.
“Đúng là có một số quầy hàng bị ngập, nhưng do đã quen với bão lụt cũng như thiệt hại không lớn nên tôi thấy điều này cũng bình thường, không quá lo lắng. Hiện, chúng tôi đã cùng BQL chợ quét dọn, sắp xếp lại các mặt hàng để kinh doanh trở lại, đồng thời, nghe ngóng diễn biến của bão số 6 sắp tới”, chị Nguyễn Thị Xíu, tiểu thương chợ Tây Lộc chia sẻ.
Đảm bảo nhu yếu phẩm dự trữ
Liên quan đến dự trữ hàng hóa phòng, chống bão lụt (PCBL) của tỉnh trong năm nay, Sở Công thương thông tin, hiện có 2 doanh nghiệp (DN) dự trữ gạo, trong đó, Công ty TNHH Lương thực Thừa Thiên Huế dự trữ 80 tấn, Công ty TNHH Thái Đông Anh dự trữ 20 tấn và 2 DN dự trữ mì ăn liền (Công ty TNHH TM Thái Đông Anh 50 tấn, Công ty TNHH Dịch vụ & Thương mại tổng hợp Hoàng Đạt 50 tấn), thời gian dự trữ từ ngày 1/9 - 15/12.
Các huyện, thị xã, thành phố cũng đã dự trữ lượng lớn gồm 308 tấn gạo, 52 tấn mì ăn liền, 82.000 lít nước uống, 35.500 lít xăng dầu, 12,5 tấn muối ăn và dự trữ của cấp xã, phường, gồm: 1.487 tấn gạo, 85 tấn mì ăn liền, 287.000 lít nước uống, 184.000 lít xăng dầu, 11 tấn muối ăn. Các DN phân phối lớn trên địa bàn tỉnh đều có kế hoạch dự trữ, cung ứng hàng hóa phục vụ phòng, chống bão lụt trong thời gian 3,5 tháng, gồm xăng dầu, nhu yếu phẩm.
“Khi có chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Công thương sẽ yêu cầu các DN tổ chức điều chuyển, xuất bán hàng hóa dự trữ để phục vụ công tác cứu trợ PCBL. Giá bán hàng hóa dự trữ theo mức giá cam kết của DN với cơ quan chức năng. Trong quá trình dự trữ, Sở Công thương thực hiện thường xuyên kiểm tra, giám sát số lượng, chất lượng hàng hóa dự trữ”, lãnh đạo Sở Công thương cho biết.
Tác giả bài viết: https://baothuathienhue.vn/cac-cho-dan-sinh-bat-dau-buon-ban-tro-lai-a118926.html
Ngày 10/10/2023
Ngày 06/05/2023
Ngày 31/03/2023
Ngày 31/03/2023
Ngày 31/03/2023