Cà Mau là vùng đất chằng chịt sông ngòi. Những năm trước ở vùng đất này, bán ghe hàng là một trong những nghề được đông đảo người dân tham gia.
Hiện nay, do giao thông đường bộ phát triển, việc dùng ghe bán hàng trên sông đã không còn thịnh như trước, nhiều người đã bỏ nghề này
6 giờ sáng, tôi theo ghe hàng của chị Châu Thị Tuyết (37 tuổi), ngụ ấp Rạch Bần B, xã Phong Lạc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Chúng tôi khởi hành bán hàng trên các tuyến sông như thường lệ chị vẫn hay bán, thuộc xã Phong Lạc.
Trên ghe chở nhu yếu phẩm, thực phẩm, xăng dầu, thuốc tây và nhiều loại hàng hóa khác, giống như một tiệm tạp hóa đúng nghĩa trên bờ đất.
Không gian ghe hàng khá chật, chỉ khoảng 15 mét vuông, nên hàng hóa được chủ ghe bày bán khá chi chít và lộn xộn. Nơi nào để hàng được là để, treo được là treo.
Cũng giống như ghe hàng của chị Tuyết, ghe hàng của nhiều người dân khác nơi đất mũi Cà Mau có điểm chung là bán hàng hóa đa dạng, đảm bảo chất lượng.
Nhờ đó, người dân ở những nơi vùng sâu, vùng xa, giao thông đường bộ chưa phát triển… vẫn có thể mua nhiều thứ thiết yếu từ các ghe hàng, mà không phải cất công vượt đường xa ra chợ.
Những người làm nghề bán ghe hàng thường ở cả ngày dưới ghe để vừa di chuyển bán hàng và vừa nghỉ ngơi. Có những ghe hàng chỉ có 2 người đi (thường là vợ chồng), cũng có ghe hàng cả gia đình 3-4 người cùng đi.
Ghe hàng lúc này giống như một ngôi nhà thứ hai của họ. Nghề này giúp các gia đình mưu sinh với thu nhập không cao, nhưng ổn định. Mỗi ngày, các chủ ghe hàng thường thu nhập khoảng 500.000 đồng tiền lời cho mỗi ghe.
Ghe hàng từng là hình ảnh quen thuộc trong ký ức của người Cà Mau nói riêng, của người miền Tây nói chung. Đây như một nếp sinh hoạt quen thuộc của người dân vùng sông nước.
Hoạt động buôn bán trên ghe hàng, lênh đênh trên sông nước cũng là loại hình giao thương “độc nhất vộ nhị” mà chỉ có thể tìm thấy ở miền Tây sông nước.
Nguồn tin: Tổng hợp
Ngày 10/10/2023
Ngày 06/05/2023
Ngày 31/03/2023
Ngày 31/03/2023
Ngày 31/03/2023