Tại Việt Nam, nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch, an toàn, là rất cao tại các thành phố lớn do người tiêu dùng ngày càng chú ý đến vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình, cũng như góp phần bảo vệ môi trường, giữ gìn hệ sinh thái tự nhiên.
Tuy nhiên, thực tế là người tiêu dùng chưa sẵn sàng trả giá cao hơn cho các sản phẩm được chứng nhận hữu cơ, chứng nhận tiêu chuẩn bền vững. Nguyên nhân, được chuyên gia Nguyễn Huyền Trang chỉ ra tại khóa tập huấn Nâng cao kỹ năng truyền thông và quảng bá thực phẩm có chứng nhận hữu cơ PGS và thực hành nông nghiệp tốt, nằm ở 3 khía cạnh: Niềm tin suy giảm trong những chứng nhận hiện có; Hệ thống xác định nguồn gốc chưa rõ ràng; Thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm chưa đủ nghiêm.
Theo bà Trang, để thúc đẩy chuỗi giá trị nông sản bền vững, điều quan trọng nhất cần làm là nâng cao nhận thức của cả người sản xuất lẫn người tiêu dùng về thực phẩm sạch, an toàn, nhất là tại các đô thị lớn.
Do nguồn lực có hạn, nên vị chuyên gia này cho rằng cần khoanh vùng đối tượng tuyên truyền, nhằm đạt hiệu quả cao nhất. Một số gợi ý, đó là: Những phụ nữ có gia đình, quan tâm đến sức khỏe, nằm trong độ tuổi từ 30 - 50, có thu nhập từ trung bình đến cao và trình độ học vấn.
"Họ sẽ dễ cảm nhận về 4 cái tốt cho sức khỏe, hương vị, môi trường và xã hội từ thực phẩm sạch, an toàn. Đồng thời, nắm chắc được lợi ích của 5 không gồm: không bón phân hóa học, không dùng thuốc trừ cỏ, không phun thuốc hóa học, không sử dụng giống biến đổi gene và không kích thích tăng trưởng", bà Trang nói.
Buổi tập huấn nằm trong khuôn khổ Dự án Thúc đẩy chuỗi giá trị nông sản bền vững ở ASEAN do Bộ Hợp tác và Phát triển Kinh tế Đức tài trợ và ủy quyền cho Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) chịu trách nhiệm triển khai tại Việt Nam, Campuchia, Lào và Myanmar.
Tại Việt Nam, Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) là cơ quan chủ dự án và phối hợp với GIZ để triển khai. Mục tiêu chung của dự án nhằm cải thiện các điều kiện khung, tạo môi trường thuận lợi để thực hiện những tiêu chuẩn bền vững và chất lượng trong chuỗi giá trị nông nghiệp tại khu vực ASEAN.
Dự kiến, chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức về thực phẩm sạch, an toàn sẽ tiếp cận khoảng 300.000 người tiêu dùng tại Hà Nội, TP.HCM và các thành phố lớn tại Việt Nam trong khoảng từ tháng 9-10/2022. Đặc biệt, chiến dịch được thực hiện trực tiếp tại các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch của Hà Nội.
Để đạt mục tiêu này, nhân viên tại các chuỗi siêu thị, cửa hàng được khuyên nắm vững 5 bước: Các điểm chạm khách hàng; Hiểu về khách hàng; Cách thức truyền thông trên mạng xã hội; Cách thức truyền thông trực tiếp tại cửa hàng; Tầm quan trọng của dịch vụ khách hàng.
Tại Việt Nam, chứng nhận PGS được xây dựng dựa trên bộ tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp hữu cơ 10TCN 602:2006 do Bộ NN-PTNT, và là chứng nhận duy nhất trong thị trường nội địa chứng minh nguồn gốc hữu cơ của sản phẩm.
Để đạt chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ PGS, HTX, người sản xuất cần thực hiện các bước: Tham gia vào nhóm sản xuất theo tiêu chuẩn chứng nhận PGS; Ký cam kết tự nguyện và nộp cho liên nhóm kế hoạch quản lý đồng ruộng; Vượt qua bước thẩm tra kế hoạch và thanh tra thực tế; Được cấp chứng nhận theo tiêu chuẩn hữu cơ PGS.
Giấy chứng nhận PGS có giá trị sử dụng trong vòng 1 năm. Mỗi giấy chứng nhận sẽ được nhận diện bằng số ID, gồm mã số nông dân và liên nhóm.
Tác giả bài viết: https://nongnghiep.vn/nang-cao-nhan-thuc-ve-thuc-pham-an-toan-tai-cac-do-thi-lon-d333640.html
Ngày 10/10/2023
Ngày 06/05/2023
Ngày 31/03/2023
Ngày 31/03/2023
Ngày 31/03/2023