Việc này không chỉ giúp kết nối cung - cầu, đẩy lùi vấn nạn “được mùa - mất giá” mà còn nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên, việc mở rộng kênh bán hàng hiện đại này còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần giải quyết.
Đòi hỏi tất yếu của nông nghiệp hiện đại
Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, thời điểm hiện tại, thành phố có 141 chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Để các chuỗi phát huy hiệu quả, ngành Nông nghiệp Thủ đô đã hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại, đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử để tiêu thụ sản phẩm.
Theo Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao (huyện Chương Mỹ) Phan Trung Kiên, công ty có hơn 20ha trồng cà gai leo (lớn nhất cả nước) tại các địa phương của thành phố Hà Nội và các tỉnh Hòa Bình, Lạng Sơn. Có những thời điểm, sản phẩm gần như không tiêu thụ được qua kênh bán hàng truyền thống. Công ty đã tìm đến các kênh bán hàng mới trên mạng xã hội Facebook, Zalo… “Kể từ khi công ty đưa sản phẩm lên các trang bán hàng trực tuyến và sàn thương mại điện tử, các sản phẩm cà gai leo đã phủ khắp thị trường cả nước, khắc phục được hạn chế về khoảng cách địa lý, hạ tầng giao thông, người tiêu dùng cũng dễ dàng tiếp cận… nên doanh thu tăng gấp 2-3 lần so với phương thức bán hàng truyền thống”, ông Phan Trung Kiên cho biết thêm.
Còn Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp sông Hồng (huyện Đông Anh) Lê Văn Tám thông tin, để quảng bá, giới thiệu các sản phẩm rau, củ, quả và ống hút an toàn tới người tiêu dùng, hợp tác xã đã đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá trên nền tảng số. Hiện tại, sản phẩm của hợp tác xã đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước và xuất khẩu tới một số quốc gia.
Nhận định giải pháp công nghệ số trong sản xuất cũng như xúc tiến thương mại là yêu cầu có tính tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại, Trưởng phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ Trần Thị Thu Hằng cho biết, Chương Mỹ đã ban hành kế hoạch đưa các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của huyện lên sàn thương mại điện tử; đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế số trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn.
Về vấn đề này, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, thời gian qua, ngành Nông nghiệp Thủ đô đã hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã tiêu thụ nông sản bằng cách đưa sản phẩm của các chuỗi liên kết lên sàn thương mại điện tử, từ đó tạo ra kênh phân phối mới, hiện đại, bền vững cho nông sản địa phương; hình thành không gian kinh doanh mở, định vị đúng giá trị thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm…
Có thể nói, sàn thương mại điện tử không chỉ giúp tiết kiệm chi phí tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp mà còn cung cấp thông tin hữu ích cho các hộ sản xuất nông nghiệp như thông tin thời tiết mùa vụ, thị trường nông sản, dự báo nhu cầu và năng lực sản xuất…
Đẩy mạnh liên kết tiêu thụ
Sàn thương mại điện tử là kênh bán hàng mang lại nhiều lợi ích, song số lượng nông sản tiêu thụ qua kênh này còn khiêm tốn. Nhiều tổ chức, cá nhân mới tiếp cận, tham gia sàn thương mại điện tử, còn bỡ ngỡ nên hình ảnh quảng bá chưa bắt mắt, giá bán chưa thay đổi linh hoạt...
Để đẩy mạnh việc đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, ngành Nông nghiệp tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ, đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn (thuộc Tổng công ty Bưu điện Việt Nam) và Voso.vn (thuộc Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel). Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Văn Đức (huyện Gia Lâm) Nguyễn Văn Minh cho biết, các cơ quan chuyên môn đã hỗ trợ hợp tác xã ứng dụng công nghệ thông tin quảng bá hình ảnh, giới thiệu mặt hàng để có thể nhanh chóng tiếp cận và tiêu thụ sản phẩm qua kênh bán hàng hiện đại.
Theo Phó Giám đốc Bưu điện thành phố Hà Nội Bùi Văn Hoàng, thời gian tới, Bưu điện thành phố Hà Nội sẽ phối hợp với các bên liên quan triển khai một số giải pháp, như: Rà soát, đưa các sản phẩm nông nghiệp lên sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart.vn; kết nối tiêu thụ nông sản thông qua sàn Postmart.vn/ Agri-postmart.vn và hệ thống điểm bán hàng; đồng thời xây dựng dữ liệu về các hàng hóa, nông sản an toàn, chất lượng cao…
Về đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, ngành Nông nghiệp Thủ đô tập trung phát triển thương mại điện tử, thúc đẩy chuyển đổi số và phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức tập huấn, tạo tài khoản, gian hàng… Sở cũng hỗ trợ kiểm nghiệm và chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp tham gia tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử; kiểm tra, giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm với sản phẩm nông nghiệp. Với sản phẩm chủ lực của thành phố, ngành Nông nghiệp sẽ xây dựng thông số về vùng trồng, quy trình sản xuất, chủ thể...
Tác giả bài viết: https://mic.gov.vn/mic_2020/Pages/TinTuc/155584/Ha-Noi--Thuc-day-tieu-thu-nong-san-tren-san-dien-tu.html
Ngày 10/10/2023
Ngày 06/05/2023
Ngày 31/03/2023
Ngày 31/03/2023
Ngày 31/03/2023