HTX vực dậy thương hiệu chè của quê hương Đất Tổ

Chủ nhật - 12/02/2023 22:44
Là một trong những nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tiêu biểu toàn quốc, ông Nguyễn Văn Thanh (xã Điêu Lương, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) đã truyền cảm hứng, tìm hướng đi đúng đắn cho nông dân địa phương thoát nghèo, phát triển kinh tế từ cây chè thông qua mô hình HTX và chương trình OCOP
Lão nông Đất Tổ vực dậy thương hiệu chè của quê hương
Về lâu về dài, ông Nguyễn Văn Thanh (bên phải) sẽ hướng HTX phát triển theo mô hình sinh thái, làng nghề gắn với du lịch cộng đồng. Ảnh: Anh Tâm

Đau đáu với cây chè của quê hương

Ông Nguyễn Văn Thanh là 1 trong số 300 nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tiêu biểu toàn quốc giai đoạn 2017 - 2022, hiện là Trưởng làng nghề sản xuất và chế biến chè Đá Hen, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) sản xuất và chế biến chè Đá Hen.

Hàng chục năm nay, ông Thanh là người đi đầu trong việc phát triển thương hiệu chè truyền thống tại chính mảnh đất quê hương, người truyền cảm hứng và tìm được hướng đi đúng đắn cho sản phẩm chè Đá Hen, góp phần ổn định và nâng cao thu nhập cho người nông dân.

 
 HTX đang bao tiêu toàn bộ đầu ra cho người dân trồng chè. Ảnh: Anh Tâm

Năm 2010, làng nghề chè Đá Hen được thành lập, những năm đầu, mặc dù các hộ dân của làng nghề đã đầu tư nhiều công sức, tiền của để sản xuất và chế biến chè, nhưng chưa mang lại nhiều hiệu quả vì "mạnh ai nấy làm", sản phẩm các gia đình làm ra không đồng đều, giá thành thấp, đầu ra bấp bênh... Chè Đá Hen thời điểm đó vẫn thật sự mơ hồ với thị trường và người tiêu dùng.

Nhận thấy cần thay đổi cách làm cho phù hợp, nâng cao chất lượng sản phẩm chè, được người dùng công nhận mới có thể thành công, ông Thanh đã tham gia nhiều đợt thăm quan, tập huấn, học hỏi kinh nghiệm trồng và chăm sóc cây chè. Đồng thời, tìm hiểu về nhu cầu của thị trường và tìm đầu ra cho sản phẩm.

Về nhà, ông Thanh đã đầu tư đồng bộ hệ thống nhà xưởng, máy móc, trang thiết bị phục vụ quy trình sản xuất và chế biến chè, áp dụng khoa học kỹ thuật vào quy trình này để tạo ra sản phẩm chè sạch. Song song với đó, với chiếc xe máy của mình, ông Thanh đi tới các vùng chè nổi tiếng trong và ngoài tỉnh để giới thiệu, chào bán chè Đá Hen.

 
 Các sản phẩm của HTX chè Đá Hen. Ảnh: Tô Công

Trải qua thời gian, gia đình ông Thanh hiện đã có hơn 3 hecta trồng chè, một năm thu 7 lứa chè hái tay và chè xuất khẩu, cho thu nhập trung bình trên 600 triệu đồng/năm. Từ hai bàn tay trắng, nhờ cần cù học hỏi và mạnh dạn áp dụng kiến thức vào thực tế, gia đình ông Thanh đã vươn lên trở thành hộ kinh tế khá giả.

Trong thời gian này, ông Thanh thường xuyên chia sẻ kiến thức trồng, sản xuất và chế biến chè cho người dân trong khu vực, khuyến khích mọi người mạnh dạn thay đổi phương thức sản xuất từ làm nông nghiệp đơn thuần sang trồng các loại cây cho hiệu quả kinh tế cao hơn.

Hiệu quả từ mô hình Hợp tác xã trong làng nghề

Tinh thần tự học, dám nghĩ dám làm của ông Thanh đã truyền cảm hứng cho người dân nơi đây thi đua trồng chè, từ đó góp phần giúp cho Làng nghề sản xuất và chế biến chè xanh Đá Hen phát triển với hơn 70 hộ tham gia. Đến năm 2017, HTX sản xuất và chế biến chè Đá Hen được thành lập trên nền tảng đó. Hiện nay, với 13 thành viên, HTX đang bao tiêu gần như toàn bộ sản phẩm chè của làng nghề.

 
 Làng nghề và HTX chè Đá Hen tập trung sản xuất và chế biến chè sạch, an toàn cho người sử dụng. Ảnh: Tô Công

"Nguyên liệu chè từ làng nghề được chăm sóc tự nhiên, không hóa chất, không thuốc kích thích, không dùng thuốc bảo vệ thực vật; HTX sản xuất và chế biến theo quy trình kỹ thuật và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm... Vì vậy, sản phẩm chè thành phẩm luôn được đảm bảo, được đối tác tin cậy" - ông Thanh chia sẻ.

Theo ông Thanh, mỗi năm, 1 hecta chè mang lại lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng, sau khi trừ tất cả chi phí, doanh thu đạt khoảng 70 triệu đồng. Vì vậy, tại làng nghề có rất nhiều gia đình thu nhập vài trăm triệu đồng/năm. Năm 2022 vừa qua, HTX đã xuất khẩu hàng trăm tấn chè, mang lại doanh thu hơn 10 tỉ đồng (chiếm 80% thị phần, còn lại là nội địa).

Cùng với đó, làng nghề và hợp tác xã đang giúp khoảng 250 lao động có việc làm ổn định với mức thu nhập trên 6 triệu đồng/tháng. Trong đó, có nhiều lao động từng rất khó khăn khi đi xin việc do vấn đề về tuổi tác, trình độ...

 
 Người dân khu Đá Hen, xã Đồng Lương đang tích cực trồng chè. Ảnh: Tô Công

Bà Trần Thị Thu Hưởng - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cẩm Khê cho biết: Ông Nguyễn Văn Thanh là người đã tìm ra hướng đi đúng đắn cho cây chè, phát huy được tiềm năng và thế mạnh của địa phương, góp phần giúp người dân trong khu vực yên tâm sản xuất và chế biến chè, có thu nhập ổn định.

"Thời gian qua, các cấp chính quyền luôn tạo những điều kiện tốt nhất để Làng nghề, HTX nâng cao chất lượng sản phẩm theo các tiêu chuẩn VietGAP, OCOP... Đồng thời, hỗ trợ HTX liên kết với các HTX sản xuất, chế biến chè xanh chất lượng cao trên địa bàn toàn tỉnh. Thời điểm hiện tại, chúng tôi tiếp tục hỗ trợ HTX làm công tác truyền thông, quảng bá sản phẩm tại các hội chợ xúc tiến thương mại, sàn giao dịch, nền tảng mạng xã hội..." - bà Hưởng chia sẻ.

Được biết, năm 2021, sản phẩm Chè Đá Hen hảo hạng chất lượng cao của HTX đã được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao.

Tác giả bài viết: https://laodong.vn/kinh-doanh/lao-nong-dat-to-vuc-day-thuong-hieu-che-cua-que-huong-1146719.ldo

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Thành viên liên kết
HTX Tư vấn thiết kế và xây dựng Việt Nam
bcsmart
Liên hiệp HTX Ocop Việt Nam
GMG
ocopshop
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây