Theo thống kê từ Bộ Công Thương, hàng Việt Nam chiếm trên 90% tại các cơ sở phân phối của doanh nghiệp trong nước và chiếm 60-96% tại hệ thống siêu thị nước ngoài tại Việt Nam. Còn theo khảo sát từ iPrice group, tỷ lệ mua hàng Việt Nam đối với hình thức bán hàng trực tuyến tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm trước.
Cạnh tranh sòng phẳng
Những con số trên có lẽ là điều dễ hiểu khi hành vi tiêu dùng của người dân hiện nay đã thay đổi theo thời gian. Một điều tra về hành vi tiêu dùng trực tuyến của người dùng khu vực Đông Nam Á trong năm 2022 cũng cho thấy, 52% người Việt yêu thích lựa chọn những thương hiệu Việt và đặt lòng tin nơi thương hiệu Việt nhiều hơn.
Điều này có được chắc hẳn một phần vì hàng Việt Nam của các HTX, doanh nghiệp sản xuất đã có những bước tiến nhất định về chất lượng, mẫu mã, từ đó có thể cạnh tranh sòng phẳng với các mặt hàng ngoại và dần chiếm được lòng tin của người tiêu dùng.
|
Trong suốt thời gian qua, các HTX tích cực đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và bảo đảm giá thành phù hợp để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong giai đoạn thắt chặt chi tiêu như hiện nay. Nhiều HTX cũng tích cực đổi mới sáng tạo, mang đến các sản phẩm phù hợp và ứng dụng cao cho người tiêu dùng.
Tiêu biểu như HTX Nông nghiệp Quyết Thanh (Sơn La) có sản phẩm trái cây sấy dẻo phục vụ thị trường Tết. Thay vì đóng gói đơn thuần vào túi zip, HTX đã xếp các miếng xoài sấy dẻo thành bông hoa hồng vàng rực rỡ và đóng hộp nhựa tròn. Sản phẩm đã thu hút được sự quan tâm của không ít người tiêu dùng khi mua trực tiếp và online.
Theo đại diện các HTX, việc mua sắm, lựa chọn hàng hóa được sản xuất trong nước hiện nay không chỉ dừng ở việc “mua ủng hộ” mà là lựa chọn có đánh giá, có phân tích rõ ràng của người tiêu dùng. Nắm bắt được xu hướng này, các HTX đã có những bước chuyển mình để nâng cao chất lượng sản phẩm và đẩy mạnh việc bán hàng trên các kênh bán hàng, trong đó có kênh online.
Điểm đặc biệt là các HTX đã quan tâm đến đa dạng các mặt hàng từ thực phẩm - nông sản chất lượng cao, mỹ phẩm cho tới thời trang… nên dễ dàng đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của HTX là một trong những lợi thế cạnh tranh trong dịp lễ Tết mà khó có sản phẩm ngoại nào có thể vượt qua.
"Trái ngọt" từ số hóa
Nếu như thời điểm dịch Covid-19 xảy ra, xu hướng mua hàng online mới chỉ bắt đầu bùng phát ở Việt Nam. Lúc này, nhiều người cho rằng mua online tuy có nhiều mặt hàng nhưng chất lượng chưa chắc đã đảm bảo về nguồn gốc, xuất xứ. Bên cạnh đó, khâu đóng, gói, giao hàng vẫn chưa nhanh như mong đợi của nhiều người tiêu dùng.
Tuy nhiên, điều này đã từng bước được các HTX khỏa lấp bằng việc đầu tư vào hoàn thiện quy trình sản xuất và liên kết với các sàn thương mại điện tử để được hỗ trợ về kỹ năng bán hàng online. Nhờ thế, hàng hóa của các HTX không những có chất lượng vượt trội, mà còn phù hợp với sở thích – thói quen tiêu dùng của nhiều người Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Hoan, Giám đốc HTX miến dong Tài Hoan (Bắc Kạn) cho biết nếu như trước đây, khách hàng lo ngại về vấn đề hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ thì hiện tại, các HTX đã tham gia các gian hàng chính hãng của các sàn thương mại điện tử. Đối với những sản phẩm xuất hiện tại các gian hàng này, khách hàng hoàn toàn có thể yên tâm về chất lượng sản phẩm do hàng đã được kiểm định qua các đơn vị quản lý và được cung cấp với nguồn gốc rõ ràng.
Hay như gian hàng nông sản, đặc sản Việt do Liên minh HTX Việt Nam và Grab đang được triển khai trên Grab Mart. Chỉ những sản phẩm đạt chuẩn về chất lượng và những HTX nắm vững các kỹ năng kinh doanh trên nền tảng số mới được đưa lên đây. Điều này giúp thỏa mãn nhu cầu về nguồn gốc xuất xứ khi mua hàng online của người tiêu dùng. Ngoài ra, khi mua hàng trên các gian hàng này, khách hàng còn được bảo vệ tối đa về quyền lợi khi có trường hợp hư hỏng trong quá trình vận chuyển.
Chia sẻ về những bước chuyển mình của thương hiệu khi gia nhập bán hàng trên các kênh bán hàng online, bà Lưu Thị Hòa, Giám đốc HTX Po Mỷ (Hà Giang) cho biết khi đưa các sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử, lợi ích đầu tiên là sẽ giúp HTX tiếp cận được với nhiều khách hàng hơn. Hơn nữa, theo quan sát của cá nhân bà Hòa, thì tệp khách hàng của các gian hàng điện tử cũng đa dạng, trong đó có cả giới trẻ với nhu cầu mua sắm thông minh nên sẽ giúp HTX hoàn thiện quy trình, thích ứng với thị trường và tăng doanh thu.
Theo các chuyên gia, năm nay, người Việt sẽ có xu hướng mua sắm cho các dịp lễ hội và chuẩn bị cho Tết truyền thống sớm hơn thường lệ. Trong đó, nhu cầu mua các mặt hàng về làm đẹp, thời trang, điện tử, nội thất nhà cửa, thực phẩm được dự đoán sẽ tăng cao. Bên cạnh đó, người tiêu dùng sẽ tiếp tục duy trì mua sắm nhưng với tâm lý cân nhắc và thận trọng.
Do vậy, việc các HTX tận dụng bán hàng online, bán hàng trên các trang thương mại điện tử được dự đoán sẽ tiếp tục là kênh mua sắm được ưa chuộng trong giai đoạn cuối năm vì sự tiện lợi, nhanh chóng, lựa chọn đa dạng, cũng như tiết kiệm thời gian và chi phí.
Đặc biệt, hiện nay, thói quen mua sắm của người tiêu dùng cũng đã có sự thay đổi đáng kể từ sau đại dịch, đó là quen với “số hóa”. Chính vì vậy, các HTX cần nhanh chóng nắm bắt và tận dụng "mỏ vàng” là các kênh bán hàng online để tăng doanh thu, lợi nhuận từ thị trường 100 triệu dân.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Phó Giám đốc Grab Việt Nam đánh giá, nếu hệ thống HTX trải dài khắp Việt Nam biết tận dụng các công cụ hỗ trợ/tính năng trên sàn thương mại điện tử, các trang bán hàng online để tiếp cận khách hàng mục tiêu, thì các HTX có thể tăng trưởng mạnh doanh thu và hái được nhiều "trái ngọt" vào mùa mua sắm cuối năm.
Tác giả bài viết: https://vnbusiness.vn/hop-tac-xa/htx-danh-thuc-mua-mua-sam-cuoi-nam-bang-thuong-mai-dien-tu-1090251.html
Ngày 10/10/2023
Ngày 06/05/2023
Ngày 31/03/2023
Ngày 31/03/2023
Ngày 31/03/2023