Chuyển đổi số-Giải pháp tối ưu cho phát triển sản phẩm hợp tác xã

Thứ hai - 06/02/2023 20:45
Ứng dụng thương mại điện tử trong quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại được xem là giải pháp tối ưu cho sản phẩm của hợp tác xã. Bắt kịp xu hướng đó, các hợp tác xã trên địa bàn TP. Hà Nội đã nỗ lực chuyển đổi phương thức kinh doanh, lấy chuyển đổi số là kênh tiêu thụ mới giúp mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh, giá trị sản phẩm.
Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất và phát triển chuỗi cung ứng. Ảnh: VGP/TN

Nhiều thành công từ chuyển đổi số

Chương trình chuyển đổi số TP. Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 xác định đối với lĩnh vực nông nghiệp, Thành phố sẽ phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, tăng tỷ trọng của ngành Nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế.

Thành phố cũng tập trung phát triển ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh, quản lý, giám sát nguồn gốc chuỗi cung ứng sản phẩm bảo đảm nhanh chóng, minh bạch, chính xác, an toàn, bảo đảm vệ sinh thực phẩm.

Đồng thời, đặt mục tiêu mỗi nông dân được định hướng đào tạo, ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, cung cấp, phân phối, dự báo về giá, thời vụ... nông sản; đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử trong nông nghiệp...

Ngoài ra, Thành phố cũng tập trung phát triển ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất kinh doanh, quản lý, giám sát nguồn gốc chuỗi cung ứng sản phẩm bảo đảm nhanh chóng, minh bạch, chính xác, an toàn, bảo đảm vệ sinh thực phẩm.

Thực tế đã có rất nhiều hợp tác xã trong thời gian vừa qua đã từng bước ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, áp dụng nông nghiệp thông minh… để vượt qua khó khăn, giúp ổn định, tăng doanh thu. Chẳng hạn, hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) đã tìm hiểu và thực hiện chuyển đổi số trong 2 lĩnh vực ứng dụng trạm cảnh báo thời tiết iMetos và cụm công nghệ eGap. Trạm cảnh báo thời tiết iMetos giúp nông dân quản lý, giám sát sản xuất, điều chỉnh kế hoạch xuống giống, quy trình chăm sóc rau kịp thời khi thời tiết biến động. Còn công nghệ số eGap giúp hợp tác xã thực hiện việc truy xuất nguồn gốc điện tử cho từng hộ trồng rau, từng thửa ruộng rau.

Từ thành công này, hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn tiếp tục thí điểm hoàn thiện quy trình chuyển đổi số đồng bộ trong sản xuất và phát triển chuỗi cung ứng ra thị trường, kết nối tiêu thụ trên 2 sàn thương mại điện tử Kinhpeec/vn và Cadosa.vn có xác nhận chất lượng eGap trên tem nhãn sản phẩm. Đến nay, hợp tác xã đã số hóa được hàng chục sản phẩm rau.

Còn Công ty CP Rau an toàn Hải Anh, xóm Ba, xã Vân Nội (huyện Đông Anh, Hà Nội), đơn vị đã đứng ra thu mua và tiêu thụ rau cho những nông dân liên kết sản xuất với Công ty, bằng cách đăng tải hình ảnh về nông sản, sản phẩm OCOP của đơn vị, rao bán thông qua website, các trang mạng xã hội... để người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận và đặt hàng an toàn trong mùa dịch bệnh. Nhờ vậy, mỗi ngày Công ty đã tiêu thụ được khoảng 5-6 tạ rau, củ cho người nông dân...

 

Cần nhiều giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số

Tuy nhiên, việc ứng dụng chuyển đổi số trong các hợp tác xã còn nhiều hạn chế. Cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị về công nghệ thông tin của hợp tác xã còn lạc hậu. Năng lực, trình độ của cán bộ quản lý hợp tác xã còn hạn chế, chủ yếu hoạt động theo kinh nghiệm, chưa qua đào tạo, độ tuổi trung bình khá cao nên gặp khó khăn trong việc tiếp cận và thực hiện quá trình chuyển đổi số.

Đặc biệt, việc chuyển đổi số đối với hợp tác xã nông nghiệp là vấn đề mới, đòi hỏi phải bắt đầu từ sự chuyển đổi trong nhận thức, hành động của mỗi cán bộ quản lý, thành viên của hợp tác xã. Đồng thời năng lực tài chính yếu, nên khó tiếp cận công nghệ tiên tiến, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm…

Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã TP. Hà Nội Nguyễn Tiến Phong cho hay, ứng dụng công nghệ 4.0 mang lại nhiều giá trị cho hợp tác xã. Không chỉ giúp quá trình vận hành của các đơn vị thành viên hợp tác xã trở lên hiệu quả, điều này còn giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, từ đó mang lại nguồn thu lớn hơn cho các hợp tác xã.

"Chuyển đổi số là giải pháp quan trọng giúp các hợp tác xã thích ứng với sự thay đổi trong quản trị và tiêu thụ sản phẩm trong bối cảnh mới", ông Phong nhấn mạnh.

Do đó, trong thời gian tới sẽ đẩy mạnh phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp về công nghệ, tăng cường các hoạt động đào tạo, tập huấn, hướng dẫn thành viên hợp tác xã tiếp cận và ứng dụng công nghệ 4.0. Cùng với đó lắng nghe, tiếp thu những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn triển khai để đề xuất UBND TP. Hà Nội giải pháp tháo gỡ, đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số trong các hợp tác xã.

Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho rằng, để chương trình chuyển đổi số trong nông nghiệp thành công, Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp Liên hiệp Hợp tác xã Kinh tế số Việt Nam xây dựng Kế hoạch chuyển đổi số lĩnh vực nông nghiệp giai đoạn 2022-2025 và kế hoạch hằng năm. Các đơn vị trong ngành nông nghiệp cũng phối hợp đồng bộ chương trình kinh tế số từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp chuyển đổi số và các doanh nghiệp phân phối tiêu thụ sản phẩm.

UBND các quận, huyện, thị xã cần tiếp tục chủ động nghiên cứu, phối hợp với các đơn vị tư vấn, các đơn vị liên quan xây dựng và triển khai kế hoạch chuyển đổi số, chuyển đổi số trong nông nghiệp trên địa bàn giai đoạn 2022-2025 theo chỉ đạo UBND Thành phố; liên kết với các doanh nghiệp chuyển đổi số, phân phối và tiêu thụ sản phẩm kết nối sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, chất lượng cao trên cơ sở minh bạch thông tin mã số vùng trồng, nguồn gốc sản phẩm bằng công nghệ như eGap...

Tác giả bài viết: https://thanglong.chinhphu.vn/chuyen-doi-so-giai-phap-toi-uu-cho-phat-trien-san-pham-hop-tac-xa-103230206141423191.htm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Thành viên liên kết
HTX Tư vấn thiết kế và xây dựng Việt Nam
bcsmart
Liên hiệp HTX Ocop Việt Nam
GMG
ocopshop
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây