Các sản phẩm nông nghiệp chủ lực nào của TP.HCM được tập trung phát triển OCOP?

Thứ ba - 01/11/2022 06:09
Với thế mạnh về mặt hàng rau xanh, hoa màu, nhiều HTX, doanh nghiệp, tổ hợp tác tại TP.HCM đang có kế hoạch đưa các sản phẩm đánh giá, công nhận là sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) tại TP.HCM.

TP.HCM xác định đến 2023, 100% xã xây dựng nông thôn mới (NTM) tại thành phố phải có sản phẩm OCOP được công nhận từ 3 sao trở lên.

Ráo riết làm OCOP

TP.HCM đã xác định tập trung phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực thành sản phẩm OCOP, gồm: Rau, hoa - cây cảnh, bò sữa, heo, tôm nước lợ, cá cảnh; và 6 sản phẩm của làng nghề truyền thống (đan đát, bánh tráng, mành trúc, đan giỏ trạc, se nhang, muối); 4 sản phẩm ngành nghề nông thôn đặc trưng, gồm: Khô cá dứa, khô cá đù một nắng; khô cá sặc một nắng; tổ yến; xoài.

Sản phẩm OCOP của TP.HCM được trưng bày giới thiệu trong Hội chợ - Triển lãm Giống tại thành phố năm 2022

Hiện, Chương trình OCOP đã được các huyện, xã của TP.HCM quan tâm, chú trọng thực hiện. Ngày 30/12/2020, Sở NNPTNT thành phố đã có Công văn số 2969 gửi UBND 5 huyện: Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ và UBND các quận còn sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố, như: Quận 9, quận 12, quận Bình Tân và TP.Thủ Đức cung cấp dữ liệu hiện trạng các tổ chức hay hộ kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, ngành nghề nông thôn. Tính đến thời điểm này, TP.HCM đã có 27 sản phẩm OCOP 3 - 4 sao.

Theo Chi cục Phát triển nông thôn TP.HCM, Chương trình OCOP được xem là giải pháp quan trọng góp phần nâng cao thu nhập cho người dân các xã xây dựng NTM. Đây là Chương trình cần phải được tập trung thực hiện trong giai đoạn 2021-2025. 

Bà Hoàng Thị Mai - Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, số lượng HTX tham gia sản xuất kinh doanh sản phẩm OCOP trên địa bàn thành phố được thành lập và đưa vào hoạt động ngày càng nhiều. 

Hiện thành phố có 56/114 HTX có sản xuất kinh doanh sản phẩm có tiềm năng tham gia Chương trình OCOP. Đây là đầu mối hỗ trợ hộ dân liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm OCOP. Nhiều HTX hoạt động có hiệu quả và xây dựng được thương hiệu sản phẩm riêng của mình, như: các HTX rau an toàn Phú Lộc, Phước An, Mai Hoa, Phước Bình; HTX hoa lan Huyền Thoại; HTX sinh vật cảnh Sài Gòn; HTX bánh tráng Phú Hòa Đông; HTX Cần Giờ Tương Lai...

Nhiều chính sách hỗ trợ

Bà Hoàng Thị Mai cho biết thêm, các chủ thể tham gia phát triển sản phẩm OCOP được hưởng chính sách hỗ trợ vốn tín dụng ưu đãi theo chính sách chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp của thành phố. 

Hiện nay, Sở NNPTNT TP.HCM đang phối hợp với các sở, ngành có liên quan tham mưu UBNDTP ban hành chính sách kích cầu đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có kích cầu đầu tư phát triển sản phẩm OCOP trong giai đoạn 2022-2025.

Theo đó, các chủ thể tham gia phát triển sản phẩm OCOP được hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm theo Chương trình xúc tiến tiêu thụ nông lâm thủy sản và sản phẩm OCOP của thành phố. Đề xuất các sản phẩm OCOP tiêu biểu để chứng nhận "Thương hiệu vàng TP.HCM".

Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng các công trình; hỗ trợ thu hút cán bộ có trình độ về làm việc tại các HTX sản xuất-kinh doanh sản phẩm OCOP. Các chủ thể tham gia phát triển sản phẩm OCOP được hưởng các cơ chế, chính sách về đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; được hỗ trợ chuyển giao mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm…

Tác giả bài viết: https://danviet.vn/cac-san-pham-nong-nghiep-chu-luc-nao-cua-tphcm-duoc-tap-trung-phat-trien-ocop-20221026160959772.htm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Thành viên liên kết
HTX Tư vấn thiết kế và xây dựng Việt Nam
bcsmart
Liên hiệp HTX Ocop Việt Nam
GMG
ocopshop
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây