"Muốn tìm hương vị chuẩn Việt Nam nhất thì phải đến chợ Sapa", "Phở ở chợ Sapa còn ngon hơn Phở ở Việt Nam", … là lời truyền tai nhau giữa những du học sinh người Việt tại châu Âu. Cùng với chợ Đồng Xuân ở Berlin (Đức), chợ Sapa là nơi tụ họp của những người con xa xứ làm ăn và phát triển tại đây.
Cộng hòa Séc và thủ đô Praha là nơi sinh sống của nhiều người Việt Nam tại châu Âu. Theo con số thống kê năm 2015, đang có khoảng 66.000 người Việt Nam sinh sống và làm việc tại quốc gia Đông Âu này. Nhờ những đóng góp của cộng đồng người Việt tại đây, năm 2013, chính phủ Cộng hòa Séc đã công nhận người Việt Nam là một dân tộc thiểu số (đứng thứ 3 về dân số) tại đây. Khi nhắc đến đóng góp về kinh tế, người ta không thể không nhắc đến chợ Sapa tại thủ đô nước này.
Nằm cách trung tâm thành phố 10 km, khu vực Praha 4, chợ Sapa hay còn gọi là Trung tâm thương mại Praha thành lập từ năm 1999, nằm trên thửa đất rộng 35 ha được xây dựng và cải tạo lại từ một nhà máy chế biến thực phẩm bị phá sản. Nhìn từ xa, trung tâm thương mại giống như một nhà máy nhỏ nằm giữa khu dân cư thưa thớt. Tuy nhiên, bước vào bên trong là một thế giới khác: một khu thương mại với nhiều hàng quán tấp nập người mua kẻ bán.
Chợ của người Việt
Trung tâm thương mại gồm những dãy nhà dài nhưng chỉ có một tầng, được sơn xen kẽ hai màu vàng tươi và tím nhạt, những tấm bảng tên in cả hai tiếng Việt và tiếng Séc. Bước vào chợ, ta có thể nghe thấy tiếng đài, tiếng nhạc bằng tiếng Việt và đặc biệt nhất, ngôn ngữ giao tiếp chính là tiếng Việt.
Lần đầu đến thăm chợ Sapa, khi đang đứng lơ ngơ tìm đường, tôi bỗng nghe thấy giọng Bắc : "Tìm chợ Sapa hả cháu ?". Hoặc khi đang đi tìm hàng ăn, một bác gọi với lại : "Vào ăn bún cá Hải Phòng không cháu ơi?". Ở nơi đất khách, nếu nhìn thấy người châu Á, chúng tôi thường thận trọng hỏi chuyện nhau bằng tiếng bản địa hoặc tiếng Anh. Tuy nhiên, ở chợ Sapa, da vàng được mặc định là người Việt Nam, mặc dù không chỉ có người Việt buôn bán tại đây.
Ở chợ Sapa, 90% thương nhân là người Việt Nam, 10% còn lại là người Trung Quốc, Hàn Quốc,… Chuyện người châu Á mở chợ làm ăn buôn bán nơi xứ người vốn không phải điều gì lạ lùng. Người Trung Quốc vốn nổi tiếng đi đến đâu cũng sẽ thành lập China Town (Thị trấn Trung Quốc) đến đó. Tại China Town, những người dân nhập cư khác phải thuê lại đất để kinh doanh. Có thể nói, chợ Sapa là một trong những khu chợ hiếm hoi do người dân gốc khác làm chủ, người Trung, Hàn, Nhật,… muốn làm ăn phải thuê lại gian hàng từ người Việt và tuân theo các quy định tại đây.
Không chỉ là một trung tâm thương mại, đây còn là trung tâm sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể thao cộng đồng. Nằm giữa khu chợ là trường mầm non dành cho trẻ em tại đây, chếch sang một chút là câu lạc bộ phụ nữ, bóng đá, câu lông hay trung tâm dạy ngoại ngữ,...
Hương vị Việt
Nếu như tại các khu chợ châu Á hoặc Việt Nam ở các thành phố châu Âu khác, đồ Việt thường chỉ là đồ đóng gói hoặc đông lạnh thì ở chợ Sapa, người tiêu dùng có thể dễ dàng tìm mua nguyên liệu của Việt Nam, thậm chí là của từng vùng miền.
Người dân đến đây cũng có thể thưởng thức các món ăn Việt Nam theo đúng phong cách nấu của người Việt chứ không phải là món ăn đã được điều chỉnh theo khẩu vị của người Âu. Không chỉ là những món ăn đã nổi tiếng thế giới như phở, bánh mỳ, bún bò,… mà còn là những món ăn vùng miền : bún cá Hải Phòng, bún chả Hà Nội, thịt chua Thanh Sơn (Phú Thọ), vịt quay,… hay là những món ăn vặt của học sinh như nem chua rán, bánh tráng trộn, chè,… đều có thể tìm thấy tại đây.
Có lẽ vì vậy, chợ Sapa không chỉ là điểm đến của dân địa phương mà còn là điểm đến của những du khách gốc Việt từ khắp nơi trên châu Âu. Bởi, chỉ cần bước chân vào cổng chợ, họ đã có cảm giác về đến nhà.