Tác phẩm “CÂY GẬY THẦN” sẽ là cánh cửa đầu tiên, mở ra những giá trị văn hóa truyền thống sâu sắc của dự án Huyền Sử Việt. Mong muốn những giá trị cao đẹp này được lan tỏa tới công chúng và hứa hẹn đem lại cái nhìn đa chiều về nghệ thuật đương đại Việt Nam.
Trên sân khấu, khán giả sẽ có cơ hội thưởng thức sự kết hợp ngọt ngào giữa những làn điệu cải lương mượt mà, sâu lắng với những màn biến hóa với vòng lửa, dây treo trên không trung đầy kịch tính và mạo hiểm.
Việc kết hợp những ưu thế nổi trội của hai loại hình nghệ thuật sân khấu, tác phẩm Cây gậy thần của Liên đoàn Xiếc VN và Nhà hát Cải lương Việt Nam đã thực sự chinh phục người xem ở ngay suất diễn đầu tiên ra mắt tại Rạp xiếc Trung ương, Hà Nội.
NSND Lưu Phúc, một nghệ sĩ lâu năm của ngành xiếc cho rằng: "Sự kết hợp giữa hai loại hình sân khấu trong Cây gậy thần đã phát huy được ưu thế nổi trội của từng loại hình, đây là xu hướng dàn dựng hiện đại rất đáng khích lệ. Vẫn tiết mục dây lụa của xiếc nhưng đứng riêng lẻ thì hiệu quả không thể tuyệt vời khi đưa vào nội dung và có sự kết hợp của cải lương. Sẽ dễ dàng cảm nhận sự thành công khi chứng kiến những tràng pháo tay vang dội từ người xem cho những khoảnh khắc kết hợp đầy thăng hoa trong nghệ thuật khi hai cặp nghệ sĩ cải lương và xiếc cùng hình tượng Chử Đồng Tử - Tiên Dung và thực hiện động tác đu dây lụa".
NSND Tống Toàn Thắng nói: "Nghệ sĩ cải lương và xiếc đã thực sự vượt lên chính mình, vượt qua mọi khó khăn tưởng như không thể làm được bằng sáng tạo nhiệt huyết. Từ sự kết hợp này diễn viên của cải lương và xiếc đều có sự tương tác, học tập về kỹ thuật biểu diễn từ loại hình của đồng nghiệp. Cá nhân tôi thấy vô cùng khâm phục các bạn diễn viên cải lương khi thấy họ vừa đu trên dây như diễn viên xiếc, vừa diễn, vừa hát. Khi xem khán giả sẽ thấy nghệ thuật cải lương có thể nổi trội hơn bởi đây là một kịch bản của sân khấu cải lương và xiếc cũng mong muốn mở rộng thêm đối tượng khán giả lâu nay vẫn yêu thích cải lương đến với xiếc ở chương trình này".
Với các nghệ sĩ tham gia các vai diễn Chử Đồng Tử, Tiên Dung của Nhà hát Cải lương VN như Minh Hải, Như Quỳnh đều chia sẻ niềm vui và sự hào hứng khi được diễn theo một phong cách hoàn toàn khác với lối diễn của cải lương. Việc xả thân tập luyện thậm chí liều lĩnh, đánh đổi của sự an toàn để mang lại hiệu quả cao trong nghệ thuật cao khi họ vừa hát, diễn và tự tin thực hiện các động tác trên không khiến khán giả không khỏi trầm trồ, xuýt xoa.
NSND Triệu Trung Kiên chia sẻ: "Lực lượng diễn viên của hai Nhà hát đều cảm thấy hào hứng, vui vẻ, không còn khoảng cách giữa diễn viên xiếc hay diễn viên cải lương. Mỗi nghệ sĩ đều được học hỏi thêm ngôn ngữ nghệ thuật biểu diễn. Nghệ sĩ cải lương được phát triển khả năng biểu diễn. Như Quỳnh, Minh Hải của Nhà hát Cải lương VN đã xả thân, liều lĩnh đánh đổi cả sự an toàn của mình ở những màn đu dây không có bảo hiểm, bay lên cao, dùng các động tác bay từ đất lên trên sân khấu tầng cao, bay thẳng xuống thuyền bay lơ lửng trên không gian... Mục đích tối cao là tạo chất lượng và tính giải trí cao, hấp dẫn, lôi kéo được khán giả đến rạp. Đây là nỗi niềm của rất nhiều nhà hát khi khán giả đang thờ ơ với sân khấu. Bằng chủ quan khi thấy khán giả đến xem và phản ứng của khán giả sau đêm công diễn 6/12 thì hình như tác phẩm đã chinh phục họ"- NSND Triệu Trung Kiên bày tỏ.
Với "Cây gậy thần", các đạo diễn, ê kíp sáng tạo và nghệ sĩ của Liên đoàn Xiếc VN và Nhà hát Cải lương VN đã biến những điều không tưởng thành hiện thực, phá bỏ đi những băn khoăn, lo lắng về sự phối hợp của hai loại hình nghệ thuật không hề liên quan với nhau. Tác phẩm đã cho thấy sức sáng tạo của người nghệ sĩ là không bao giờ có giới hạn, sân khấu cần có những thử nghiệm mang tính phá cách để tìm ra chìa khóa đưa khán giả trở lại với thói quen xem nghệ thuật.
Chủ tịch Liên Hiệp Hợp tác xã Việt Nam phát biểu tại buổi diễn cho biết: “Nhắc đến đức thánh Chử Đồng Tử trước hết là câu chuyện tình yêu, một người thầy thuốc. Đặc biệt, với Liên hiệp Hợp tác xã chúng tôi coi Chử Đồng Tử - Tiên Dung là vị Tổ nghề. Thông qua buổi lễ khởi công này, xin cảm ơn Liên đoàn Xiếc Việt Nam và nhà hát Cải Lương Việt Nam đã cùng xây dựng một tác phẩm rất có ý nghĩa. Liên hiệp hợp tác xã Việt Nam sẽ đồng hành với hai đơn vị đưa vở diễn vào cuộc sống. Chúng tôi đã hỗ trợ 200 vé cho bà con thôn Dạ Trạch được lên thưởng thức tác phẩm rất đặc biệt này. Và sau nữa, Liên hiệp Hợp tác xã Việt Nam của chúng tôi đã xuất hiện tại 58 tỉnh. Cũng mong muốn đưa tác phẩm đến với các tỉnh thành để tôn vinh vị Thánh tổ của nghề Thương mại, Chợ Việt Nam.”
Tự hào, với Liên hiệp Hợp tác xã Việt Nam coi Chử Đồng Tử - Tiên Dung là vị Tổ nghề và rất hân hạnh được đồng hành, cùng xây dựng thành công một tác phẩm rất có ý nghĩa và được bà con nhân dân thôn Chử Xá đến xem, vui mừng phấn khởi, ủng hộ các nghệ sĩ.
Trước buổi công diễn, Liên hiệp Hợp tác xã Việt Nam đã được Liên đoàn Xiếc Việt Nam và nhà hát Cải Lương Việt Nam trao chứng nhận, vinh danh cảm ơn những đóng góp của Liên hiệp Hợp tác xã Việt Nam cho quá trình xây dựng và quảng bá tác phẩm tới công chúng, bà con yêu thích tác phẩm Cây Gậy Thần.
Với việc xây dựng thành công tác phẩm nghệ thuật, các nghệ sĩ mong muốn đây cũng là cú hích cho việc tuyên truyền quảng bá, tôn vinh hình ảnh của thánh Chử Đồng Tử - Tiên Dung lan xa hơn nữa.
Nguồn tin: Ban Truyền thông Liên Hiệp Hợp tác xã Việt Nam
Ngày 10/10/2023
Ngày 06/05/2023
Ngày 31/03/2023
Ngày 31/03/2023
Ngày 31/03/2023