Xu hướng phục hồi
Tổng Cục thống kê cho biết, tính đến tháng 12.2020, cả nước có 32,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19 bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập… Khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19 với 71,6% lao động bị ảnh hưởng, tiếp đến là khu vực công nghiệp và xây dựng, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản.
Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý IV/2020 là 55,1 triệu người, tăng 563,8 nghìn người so với quý trước. Điều này khẳng định xu hướng phục hồi của thị trường lao động sau khi ghi nhận mức giảm sâu kỷ lục vào quý II năm 2020.
Theo Tổng Cục thống kê, đại dịch COVID-19 đã tác động làm thay đổi xu hướng biến động mang tính mùa vụ của lực lượng lao động giữa các quý trong năm. Năm 2020, lực lượng lao động bắt đầu giảm ở quý I, sau đó tiếp tục giảm mạnh và chạm đáy ở quý II và dần có sự phục hồi vào quý III và quý IV. Mặc dù có phục hồi nhưng lực lượng lao động đến quý IV/2020 vẫn chưa đạt được trạng thái ban đầu khi chưa có dịch.
Trao đổi về vấn đề lao động, việc làm, ông Lê Quang Trung - nguyên Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) - cho hay, dự báo năm 2021, thị trường lao động sẽ có nhiều “điểm sáng” nhờ thu hút làn sóng đầu tư, các doanh nghiệp (DN) đã tìm hướng sản xuất kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19 và các biện pháp kiểm soát COVID-19 sẽ phát huy hiệu quả. Nhu cầu sản xuất, cung cấp hàng hoá nội địa sẽ tăng, xuất khẩu sẽ phục hồi.
Tuy nhiên, dịch COVID-19 có những biến đổi khó lường và tác động nhiều mặt của kinh tế-xã hội. Để ổn định và phát triển thị trường lao động, ông Trung cho rằng, cần tiếp tục hoàn chỉnh hệ thống pháp luật, trong đó chú ý hình thức làm việc từ xa, hình thức cho người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (NSDLĐ) thực hiện tốt hơn khi năm đầu tiên Bộ luật Lao động 2019 có hiệu lực.
Trong thời gian tới, ông Trung cho rằng, cần tăng cường công tác dự báo kinh tế-xã hội và thị trường lao động. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần cải cách thủ tục hành chính làm sao các nhà đầu tư, sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu cần nhanh gọn. Công tác đào tạo nghề và giới thiệu việc làm chú trọng, đặc biệt hoạt động Trung tâm Dịch vụ Việc làm trong tổ chức thông tin thị trường lao động, sàn giao dịch, đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng.
“Cần rà soát chính sách hỗ trợ cho các DN sản xuất kinh doanh. Một số ngành gặp khó khăn như du lịch, hàng không… cần có biện pháp hỗ trợ kịp thời để đơn vị này vượt qua khó khăn”- ông Trung nói thêm.
Đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa
Bà Nguyễn Thị Lan Hương - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Bộ LĐTBXH - cho biết, bên cạnh những tác động tiêu cực, dịch COVID-19 vừa qua cũng tạo một hạ tầng mới trong kinh doanh như làm việc trực tuyến… Từ đó, tạo điều kiện thay đổi nhanh cơ cấu việc làm. Thị trường lao động hiện nay cần có chính sách hỗ trợ lao động, đào tạo lao động và hỗ trợ DN tạo ra sự luân chuyển lao động để chuyển đổi kinh tế. Đây là giải pháp tốt để “kéo” thị trường lao động.
Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội nói rằng: “Theo dự báo từ quốc tế, nhiều quốc gia vẫn bị tác động nghiêm trọng dịch COVID-19. Mảng xuất khẩu của nước ta đến thị trường các nước tiếp tục bị ảnh hưởng. Vì vậy, chúng ta cố gắng chuyển dịch cơ cấu lao động, tận dụng những thành tựu kinh tế để kích cầu những ngành bị ảnh hưởng trong nước”.
Bà Hương phân tích, trong thị trường lao động, vừa qua có những lùm xùm liên quan đến lái xe công nghệ. Qua đó có thể thấy, hiện nay trong Luật Lao động, các văn bản quản lý lao động chưa thấy rõ những quan hệ lao động trên như thế nào.
“Ở đây, xuất hiện những hình thức việc làm mới, quan hệ lao động mới buộc phải điều chỉnh. Năm 2021, chắc chắn kinh tế nước ta sáng sủa hơn. Qua dịch COVID-19 thấy được, những nền kinh tế với gần 100 triệu dân trở lên phải hướng vào nội địa - thị trường tiêu dùng, lao động rộng lớn”- bà Hương nói thêm.
Chuyên gia này phân tích, việc thu hút chuyển dịch đầu tư nước ngoài vào Việt Nam khiến thị trường lao động nước ta có nhiều cơ hội tăng năng suất lao động, chuyển dịch cơ cấu lao động. Nhưng về mặt quản lý nhà nước về lao động, bảo vệ lao động cần nhiều chính sách để nghiên cứu, đáp ứng được nhận dạng quan hệ lao động mới. Thực sự giải pháp an sinh xã hội, hỗ trợ thị trường lao động chủ động rất nhiều trong thời gian tới.
Ngày 10/10/2023
Ngày 06/05/2023
Ngày 31/03/2023
Ngày 31/03/2023
Ngày 31/03/2023