Chợ Việt Nam: Từ truyền thống đến áp dụng thành công mô hình kiểu mới

Thứ năm - 17/12/2020 20:59
Hiện cả nước có khoảng 9.000 chợ (trong đó chỉ có từ 15% - 20% chợ loại I và loại II, còn lại là chợ loại III và nhỏ lẻ). Theo dự báo, số lượng chợ truyền thống có xu hướng giảm dần để nhường chân cho các kênh bán lẻ hiện đại. Vì thế, để không bị xóa sổ, biến mất trước sự phát triển nhanh chóng các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại (TTTM) đòi hỏi chợ truyền thống phải có những thay đổi nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu, thói quen mua bán hàng hóa của người tiêu dùng, đồng thời hướng tới xu thế phát triển hiện đại.
Chợ Việt Nam: Từ truyền thống đến áp dụng thành công mô hình kiểu mới

Nhân rộng điểm sáng, mô hình chợ truyền thống kiểu mới
  Sự phát triển của xã hội đã hình thành nên những mô hình, phương thức kinh doanh mới, đưa các chợ truyền thống vượt ra khỏi chức năng đơn thuần mua bán hàng hóa, thay vào đó là những tổ hợp chợ, trung tâm mua sắm sang trọng được tích hợp các dịch vụ vui chơi giải trí đa dạng.
  Khảo sát tại một số địa phương cho thấy, sau khi được đầu tư xây mới, nhiều chợ truyền thống vẫn được duy trì, khai thác hiệu quả bằng cách kết hợp khu chợ ướt với kiot thương mại với quy mô phù hợp nhu cầu thực tiễn của người dân địa phương. 

FILE03551


    Thiết kế chợ mới cũng chỉ xây từ một đến hai tầng, ra vào chợ thuận tiện, không bị khống chế về không gian, hàng hóa phong phú, giá cả phù hợp hơn so với TTTM nên vẫn giữ được nét văn hóa riêng, đáp ứng nhu cầu của những người dân có thu nhập trung bình thấp. Chợ Tây Thành (TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) được xây dựng và đi vào hoạt động từ năm 2009, với tổng vốn đầu tư gần 100 tỷ đồng, có gần 500 hộ kinh doanh, buôn bán đủ các mặt hàng, từ quần áo, đồ gia dụng đến các loại nông sản, thực phẩm. Các ki-ốt được quy hoạch rộng rãi, lắp đặt hệ thống chống cháy tự động đến tận quầy; các quầy kinh doanh thực phẩm sống, hàng ăn, đều có hệ thống cấp nước sạch, xử lý nước thải nhằm tạo thuận lợi cho tiểu thương trong quá trình sinh hoạt. Doanh nghiệp (DN) quản lý chợ cũng bố trí các gian hàng, lối đi hợp lý, phục vụ tốt nhu cầu của người tiêu dùng (NTD) đã giúp các tiểu thương kinh doanh ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Người dân khi đi chợ được ngắm nghía và thoải mái lựa chọn các mẫu hàng hóa đa dạng đang được bày bán. Việc thực hiện văn minh thương mại của gần 500 hộ kinh doanh trong chợ cũng thường xuyên được kiểm tra, giám sát. Nhờ vậy, chợ Tây Thành được xem là đơn vị tiên phong của Thanh Hóa nói riêng và cả nước nói chung thực hiện việc bán hàng theo giá niêm yết, được NTD đánh giá cao. 

P7renlai1


  Theo Bộ Công thương, đây là một trong những tỉnh làm tốt công tác chuyển đổi mô hình hoạt động của chợ, được đánh giá đi đầu cả nước về kêu gọi, thu hút nguồn vốn xã hội hóa đầu tư xây dựng chợ. 
  Phó Giám đốc Sở Công thương Thanh Hóa Lữ Minh Thư khẳng định, xu hướng cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới hoặc chuyển đổi mô hình hoạt động của các chợ truyền thống là cần thiết. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa chuyển đổi tất cả các chợ thành siêu thị, TTTM mà phải xem xét, đánh giá cụ thể đối với từng trường hợp. Có những chợ nếu được chuyển đổi sẽ hoạt động tốt nhưng cũng có những chợ chỉ nên cải tạo, nâng cấp và giữ nguyên chức năng vốn có của nó sẽ hiệu quả hơn. Ðến hết năm 2019, toàn tỉnh có 125 trong số 398 chợ được thực hiện đầu tư chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh. Hầu hết các chợ sau khi được chuyển đổi đều tổ chức quản lý, đầu tư khang trang và hoạt động có hiệu quả, bảo đảm trật tự xã hội, an toàn, văn minh thương mại, bố trí sắp xếp ngành hàng, mặt hàng cụ thể theo khu vực, thuận tiện cho người mua và người bán, góp phần giải tỏa hoạt động của các chợ tạm, chợ cóc trên địa bàn, góp phần xây dựng đô thị văn minh, công dân thân thiện. 
   Hiện tại ở Thanh Hóa vừa khởi công xây mới thêm 2 chợ ở Thành Mai và Hói Đào, các chợ này đều được phê duyệt thiết kế phù hợp với định hướng phát triển chợ truyền thống theo hướng hiện đại. Ngoài việc đáp ứng nhu cầu mua bán của người dân địa phương, chợ còn đáp ứng được kết nối giao thương với các vùng lân cận, nhờ vậy mà chợ chính là đầu mối buôn bán các sản vật địa phương tỏa đi ra các tỉnh thành trên cả nước. 

IMG 1625 Copy


 Hướng đến văn minh, hiện đại:
    Tuy vậy, trước sự phát triển của xã hội, mỗi ngày việc kinh doanh buôn bán ở chợ sẽ văn minh lên. Do đó phải giảm người bán, tăng khoản đóng góp nhằm tăng diện tích kinh doanh. Nâng cấp chợ bằng cách xây dựng các hình thức kiến trúc cho phù hợp với các quy định của Nhà nước. Các loại rau củ quả phải sơ chế rồi mới được đem vào chợ bán, bảo đảm văn minh thương mại, an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường. Tiến tới niêm yết giá, các thực phẩm đã rõ nguồn gốc cần phải có chứng chỉ chứng nhận chất lượng sản phẩm, bảo đảm an toàn thực phẩm,...

  Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, vai trò của Nhà nước trong việc quy hoạch, cải tạo và xây dựng phát triển chợ là hết sức quan trọng. Ðứng trước thực trạng chợ đang dần bị các kênh bán lẻ hiện đại lấn át, rất cần phải có những cơ chế, chính sách thỏa đáng, hợp lý, mang tính khả thi để tiếp tục gây dựng lại bộ mặt của kênh thương mại truyền thống đang sa sút. Cần lưu ý sau khi cải tạo và xây dựng chợ, phải có bộ máy tổ chức mạnh, đủ các quy chế, quy định để có thể tự chủ trong việc hạch toán, quản lý chi phí trong chợ. Coi trọng việc tổ chức nguồn hàng, có nguồn gốc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Xây dựng văn hóa kinh doanh chợ để nâng cao năng lực cạnh tranh với các kênh bán lẻ có ưu thế hơn. Ngoài chợ dân sinh phục vụ ở các địa bàn, cần xây dựng một số chợ đầu mối ở các tỉnh, thành phố lớn, có nhu cầu tiêu thụ cao cả về số lượng và chất lượng. Khi đó, chợ đầu mối sẽ góp phần kích thích những nhu cầu về đầu tư, du lịch của các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước, thúc đẩy sản xuất vùng và sản xuất tại chỗ của địa phương phát triển.

  Thực tế cho thấy, phần lớn chợ truyền thống hiện vẫn đang kinh doanh hiệu quả và có những lợi thế nhất định để cạnh tranh với kênh bán lẻ hiện đại như siêu thị, TTTM, chuỗi cửa hàng tiện lợi về chi phí thuê mặt bằng thấp hơn, nhiều mặt hàng "thuận mua vừa bán",… Tuy nhiên, nếu không đổi mới trong cung cách phục vụ, niêm yết giá cả, mô hình bán lẻ truyền thống như chợ sẽ gặp khó khăn trong việc cạnh tranh với mô hình bán lẻ hiện đại. Vì vậy, tiêu chuẩn chợ an toàn, văn minh thương mại phải hướng đến các điều kiện về xây dựng đúng quy chuẩn, tuân thủ nguyên tắc về phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh an toàn thực phẩm,… Việc đầu tư xây dựng, quản lý, kinh doanh, khai thác chợ cần giải quyết hài hòa lợi ích giữa Nhà nước - tiểu thương - DN và đáp ứng nhu cầu của người dân. Khi xã hội hóa, chủ đầu tư cũng cần công khai và thống nhất với tiểu thương về phương thức quản lý, vận hành. Quan hệ giữa chủ đầu tư dự án chợ và tiểu thương cũng phải theo quy luật cung - cầu, có cơ chế quản lý phù hợp với sự phát triển của thị trường. Có như vậy, chợ truyền thống mới phát triển bền vững, không bị tụt hậu và xóa sổ trong tương lai.

    Có thể thấy, đã qua cái thời "trăm người bán, vạn người mua". Muốn chợ truyền thống có sức hút trở lại, các tiểu thương cần nỗ lực đổi mới tư duy và cách làm trong việc thực hiện văn hóa kinh doanh, tạo lòng tin và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của NTD. Phải bán những mặt hàng có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đúng giá niêm yết, quan tâm hơn đến cách bài trí hàng hóa sao cho đẹp mắt, tiện lợi; trang bị cho mình kỹ năng bán hàng theo hướng văn minh, lịch sự, tạo môi trường kinh doanh thân thiện. Ngoài ra, cần áp dụng các chương trình khuyến mại, đẩy mạnh hoạt động quảng bá sản phẩm đến khách hàng. Các đơn vị có liên quan, chính quyền địa phương cần quyết liệt xử lý, dẹp bỏ các chợ tự phát, tăng cường kiểm tra chất lượng hàng hóa để bảo đảm sự công bằng trong kinh doanh. Tăng cường kiểm tra việc niêm yết giá và chất lượng hàng hóa, từng bước thực hiện văn minh thương mại…

Nguồn tin: Tổng hợp

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Thành viên liên kết
HTX Tư vấn thiết kế và xây dựng Việt Nam
bcsmart
Liên hiệp HTX Ocop Việt Nam
GMG
ocopshop
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây