TP HCM: HTX quản lý chợ hoạt động không đúng quy luật

Thứ ba - 24/09/2019 04:15
Sở Công Thương TP HCM đề xuất Đề án xây dựng mô hình HTX kiểu mới về đầu tư, kinh doanh, khai thác và quản lý chợ
Theo ông Nguyễn Ngọc Hoà, Phó giám đốc Sở Công Thương TP HCM, HTX quản lý chợ kiểu mới sẽ do chính những thương nhân trong chợ làm thành viên và quản lý
Theo ông Nguyễn Ngọc Hoà, Phó giám đốc Sở Công Thương TP HCM, HTX quản lý chợ kiểu mới sẽ do chính những thương nhân trong chợ làm thành viên và quản lý
Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết như vậy khi nói về các HTX quản lý chợ trên địa bàn TP HCM tại Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18-3-3002, Hội nghị lần thứ 5, Ban chấp hành trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể do UBND TP HCM tổ chức ngày 24-9.

Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, tính đến tháng 12-2018, TP có 19 HTX hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh, khai thác và quản lý chợ, tham gia quản lý 31 chợ hạng II và hạng III thông qua phương thức đấu thầu, chỉ định thầu và khuyến khích HTX đầu tư xây dựng chợ. Các HTX quản lý chợ trên địa bàn TP HCM hiện đang hoạt động méo mó, không đúng quy luật. "HTX chợ phải là tổ chức của những tiểu thương buôn bán tại chợ chứ không phải của những người quản lý chợ" – Bí thư Thành ủy TP HCM nói và đề nghị Sở Công Thương TP HCM xây dựng mô hình HTX quản lý chợ, với sự hỗ trợ của Sở Kế hoạch và Đầu tư và Liên minh HTX TP HCM.

Tại hội nghị, Sở Công Thương TP HCM đề xuất xây dựng Đề án xây dựng mô hình HTX kiểu mới về đầu tư, kinh doanh, khai thác và quản lý chợ trên địa bàn TP.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó giám đốc Sở Công Thương, nhận định chợ truyền thống vẫn nắm giữ 70% – 75% thị phần bán lẻ với sự tham gia của hàng trăm ngàn thương nhân, đóng góp vào an sinh xã hội và gắn liền đời sống hằng ngày của người dân thành phố. Việc xã hội hóa các chợ truyền thống này có tầm quan trọng và tác động lớn cần được quan tâm đúng mức.

Mô hình HTX quản lý chợ kiểu mới với phần lớn thành viên là các thương nhân kinh doanh tại chợ và hoạt động tất cả vì quyền lợi của thương nhân. Đây là đặc trưng cơ bản và mục tiêu cần hướng đến của HTX chợ; qua đó góp phần giải quyết vấn đề an sinh – xã hội, chấm dứt tình trạng xung đột, khiếu nại, khiếu kiện xảy ra ở một số chợ trong thời gian qua.

"So với các chợ do tư nhân đấu thầu khai thác chợ, việc chuyển đổi sang mô hình HTX thuận lợi hơn vì nhà nước có thể hỗ trợ chuyển giao cơ sở hạ tầng chợ cho HTX dưới hình thức thuê đất hoặc thuê tài sản. Các cơ sở hạ tầng này sẽ là những tài sản không chia của HTX do nhà nước hỗ trợ. Nếu HTX không còn tồn tại thì tài sản không chia này sẽ được chuyển trả lại cho nhà nước theo quy định của pháp luật. HTX chủ động về tài chính, chợ được nâng cấp, việc đầu tư trang thiết bị phục vụ cho chợ và quản lý điều hành không phải phụ thuộc ngân sách nhà nước. Ngoài ra, do tính chất chợ trên địa bàn thành phố vô cùng phức tạp nên mô hình HTX chợ kiểu mới sẽ giúp công tác quản lý chợ hiệu quả hơn" – ông Nguyễn Ngọc Hòa trình bày.

Theo đó, HTX chợ kiểu mới là HTX của chính những thương nhân kinh doanh tại chợ (vì phần lớn thành viên HTX là thương nhân kinh doanh tại chợ); thương nhân vừa kinh doanh vừa làm chủ HTX, có quyền tham gia ý kiến, quyết định đối với các hoạt động của HTX nhằm quản lý và làm cho chợ ngày càng phát triển. Chính những thương nhân thành viên này khi giữ vai trò làm chủ sẽ phát huy tốt hơn trách nhiệm bảo vệ, củng cố "ngôi nhà" của mình và ra sức đóng góp, nâng cao sức cạnh tranh của chợ. Mọi hoạt động quản lý, cân đối thu chi, đầu tư nâng cấp hay lãi lỗ ở chợ sẽ do những người chủ - thương nhân cùng gánh vác.

Điều quan trọng hơn hết là với mô hình HTX chợ kiểu mới sẽ xã hội hóa toàn bộ hoạt động đầu tư, quản lý và khai thác chợ cho tập thể bà con thương nhân là những người trực tiếp kinh doanh chợ, đã và sẽ gắn bó lâu dài với chợ vì chợ là cả cuộc sống của họ và gia đình. Có sự thống nhất cao về lợi ích giữa chủ thể quản lý chợ là HTX và thành viên HTX là các thương nhân. Nếu thương nhân không còn gắn bó với chợ thì họ sẽ không còn tư cách xã viên của HTX.

"Trong khi nếu chuyển đổi theo mô hình công ty cổ phần thì chúng ta sẽ xã hội hóa chợ cho một nhóm cổ đông không trực tiếp kinh doanh và cuộc sống của họ không gắn liền với chợ như bà con thương nhân. Là cổ đông họ có toàn quyền và tự do chuyển nhượng cổ phiếu khi có lời và sẽ xảy ra tình trạng thâu tóm, thu gom cổ phiếu để chi phối hoạt động của các chợ. Thậm chí có khả năng sẽ xuất hiện những cổ đông lớn thâu tóm và chi phối nhiều chợ trên địa bàn thành phố dẫn đến chi phối thị trường bán lẻ nội địa" – ông Nguyễn Ngọc Hòa diễn giải thêm.

Nguồn tin: nld.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Thành viên liên kết
HTX Tư vấn thiết kế và xây dựng Việt Nam
bcsmart
Liên hiệp HTX Ocop Việt Nam
GMG
ocopshop
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây