Hà Nội phát triển chuỗi nông sản an toàn: Doanh nghiệp và người sản xuất cùng lợi

Thứ ba - 27/08/2019 05:23
Thời gian qua, TP. Hà Nội đã đẩy mạnh xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn với 21 tỉnh, thành phố nhằm tạo chuỗi khép kín từ sản xuất tới tiêu thụ, bảo đảm kiểm soát được nguồn gốc, chất lượng sản phẩm, góp phần tạo đầu ra ổn định cho nông sản. Tuy vậy, việc phát triển các chuỗi liên kết này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng.
Triển khai mô hình liên kết sản xuất
Triển khai mô hình liên kết sản xuất

Còn nhiều tồn tại

Thực hiện Quyết định 1791/QĐ-BNN-QLCL ngày 19-5-2015 của Bộ NN&PTNT về Chương trình Phối hợp phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho TP. Hà Nội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội đã phối hợp với 21 tỉnh, thành phố phía Bắc trong việc xây dựng, phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt bảo đảm an toàn thực phẩm tiêu thụ trên địa bàn Hà Nội. Thông tin từ Sở NN&PTNT Hà Nội, sau 4 năm triển khai chương trình, đến nay đã có 727 chuỗi cung ứng rau, thịt an toàn (tăng 184 chuỗi, 34% so với năm 2018).

Riêng tỉnh Quảng Ninh, đến nay đã có 42 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản của tỉnh (tăng 30 cơ sở so với năm 2017) phân phối tại 90 điểm bán trên địa bàn TP. Hà Nội. Các sản phẩm nông sản cung cấp vào TP. Hà Nội đều đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định. Sản lượng một năm ước đạt trên 1.000 tấn chả mực, 100.000 lít dầu thực vật nguyên chất, 200 tấn rau, củ, quả an toàn, miến dong, thịt lợn… Tuy nhiên, theo đại diện Sở NN&PTNT Quảng Ninh, số lượng này còn thấp so với nhu cầu cần phân phối của các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Đồng quan điểm, ông Cao Minh Tuấn - Phó Chủ tịch Hội Nông sản an toàn tỉnh Lào Cai - cho biết, đến nay, Lào Cai đã đưa 10.000 tấn rau ôn đới, 200 tấn tương ớt, 50 tấn miến dong, 400 tấn cá hồi, cá tầm vào chuỗi… nhưng đây chỉ là con số rất nhỏ so với năng lực sản xuất sản phẩm đặc sản nông nghiệp của tỉnh.

Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp (DN) vẫn lúng túng trong liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm; hoạt động xúc tiến thị trường, bán hàng còn hạn chế; thiếu vốn, quy trình sản xuất; xây dựng tiêu chuẩn quản lý chất lượng VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ với DN theo từng ngành hàng còn nhiều khó khăn, nên sản xuất chưa đồng bộ, không thuận lợi. Trong khi đó, hàng nhái, hàng giả còn gây khó khăn cho người tiêu dùng trong việc lựa chọn sản phẩm sạch.

Ông Tạ Văn Tường - Phó giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội - thừa nhận, việc xây dựng và phát triển chuỗi rau, thịt an toàn với các tỉnh, thành phố vẫn còn nhiều tồn tại. Triển khai mô hình liên kết sản xuất còn nhiều khó khăn, tư duy sản xuất gắn với tiêu thụ hàng hóa còn hạn chế, công tác dự báo thị trường tiêu thụ, tổng hợp cung cấp thông tin thị trường, sản lượng hàng hóa nông sản vào ra giữa các tỉnh về Hà Nội và ngược lại còn chưa theo kịp với tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn…

Đại diện Sở NN&PTNT Hưng Yên cho biết, bất cập lớn nhất trong việc xây dựng chuỗi sản xuất nông sản an toàn là sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh này còn nhỏ lẻ, manh mún, khả năng cạnh tranh của một số sản phẩm còn thấp, chưa có sự gắn kết bền chặt giữa sản xuất với tiêu thụ. Các mô hình ứng dụng khoa học công nghệ quy mô còn nhỏ, chưa nhiều. Việc gắn kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế. Công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch chưa phát huy được lợi thế.

Còn ông Hoàng Văn Thám - Phó trưởng Phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ (Hà Nội) - cho hay, việc triển khai các kế hoạch dự án hợp tác liên kết sản phẩm nông nghiệp hiện nay khó triển khai do các bất cập từ chính sách. Do đó, ông Hoàng Văn Thám kiến nghị, UBND thành phố sớm có văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 10/2018/NQ-HĐND hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019 về một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Tạo điều kiện cho các hợp tác xã, doanh nghiệp, trang trại xây dựng các dự án, kế hoạch liên kết.


Nâng cao sức cạnh tranh


Trong bối cảnh Việt Nam tham gia nhiều FTA, việc xây dựng chuỗi nông sản an toàn rất cần thiết để nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp. Thời gian qua, nhiều chuỗi liên kết được hình thành, nhưng so với năng lực sản xuất còn rất hạn chế, nông dân vẫn có thói quen sản xuất theo tập quán, còn DN giữ tư tưởng ở đâu rẻ thì mua.

Ông Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng nông, lâm sản và thủy sản - nhận định, việc đẩy mạnh liên kết chuỗi nông sản an toàn không những phát triển thị trường trong nước mà còn giúp đẩy mạnh xuất khẩu. Theo đó, hàng hóa nông sản sẽ phải sản xuất theo tiêu chuẩn. Đây là yêu cầu mấu chốt để xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam. Thương hiệu được xây dựng trên nền tảng chất lượng, an toàn, sau đó mới tính đến việc truyền thông, quảng bá để ngấm sâu vào thói quen của người tiêu dùng.

Ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội - khẳng định, sở tiếp tục phối hợp với các tỉnh, thành phố trao đổi thông tin về quản lý chất lượng an toàn thực phẩm, giám sát, quảng bá sản phẩm nông sản an toàn của các tỉnh đưa về Hà Nội tiêu thụ. Các sở, ngành tham mưu cho thành phố thí điểm xây dựng khu tiêu thụ nông sản bảo đảm an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc tại chợ truyền thống, chợ đầu mối và phát triển đa dạng các loại hình hạ tầng thương mại phục vụ hoạt động kinh doanh hàng nông sản. Các tỉnh, thành phố cần có cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ xây dựng chuỗi; các chính sách cần được tập trung đều ở các khâu: Sản xuất, sơ chế, chế biến và thương mại, tiêu thụ sản phẩm... Qua đó, động viên, khuyến khích kịp thời các chủ thể tham gia phát triển chuỗi.

Nguồn tin: congthuong.vn:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Thành viên liên kết
HTX Tư vấn thiết kế và xây dựng Việt Nam
bcsmart
Liên hiệp HTX Ocop Việt Nam
GMG
ocopshop
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây