Từ đầu năm đến nay, tỉnh An Giang thu hút được 44 dự án đăng ký đầu tư mới với tổng vốn đăng ký hơn 5.000 tỷ đồng.
So với cùng kỳ năm 2018, số dự án đầu tư mới chiếm 89,8% (giảm 5 dự án), tổng vốn đăng ký chỉ chiếm 32,87%, giảm 10.240 tỷ đồng.
Trong 8 tháng của năm 2019, UBND tỉnh An Giang đã tổ chức tiếp xúc và cung cấp thông tin hơn 20 lượt nhà đầu tư trong và ngoài nước tìm cơ hội đầu tư và khảo sát địa điểm.
Cụ thể, Tập đoàn FLC làm việc và khảo sát thực địa các dự án mời gọi đầu tư nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí thuộc Khu Du lịch Núi Cấm (Khu 1, 2, 3 và Hồ Tà Lọt); Công ty Tân Việt Sin giới thiệu địa điểm đầu tư vào Khu công nghiệp Bình Hòa thực hiện dự án Chế biến rau củ quả, thịt tôm cá; Công ty TNHH Khoa học Nông nghiệp Long Phú tìm hiểu cơ hội đầu tư du lịch gắn với nông nghiệp….
UBND tỉnh An Giang cho biết, thời gian qua, hoạt động xúc tiến đầu tư của tỉnh An Giang đã bộc lộ nhiều hạn chế và bất cập. Một số dự án kêu gọi đầu tư thiếu tính khả thi, chưa phù hợp với nguồn lực và thực tế của tỉnh, cơ chế chính sách chưa theo kịp xu hướng đầu tư hiện đại, quy mô lớn, đặc biệt là cơ chế, chính sách về đất đai, thuế.
Ông Lê Văn Phước, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh An Giang cho biết, điều kiện kinh tế xã hội của An Giang còn gặp nhiều khó khăn, chưa tự cân đối được nguồn lực, còn phụ thuộc khá nhiều vào sự hỗ trợ từ Trung ương.
Vì vậy, ngoài việc xây dựng và áp dụng các chính sách khuyến khích, ưu đãi chung như các tỉnh theo quy định của Trung ương, tỉnh An Giang chưa xây dựng được chính sách hỗ trợ đầu tư riêng để bù đắp những bất lợi về vị trí địa lý và điều kiện hạ tầng.
Theo UBND tỉnh An Giang, do vị trí địa lý của tỉnh An Giang cách xa các trung tâm kinh tế phát triển như: Thành phố Hồ Chí Minh, vùng đồng bằng sông Cửu Long và của cả nước, hệ thống kết cấu hạ tầng còn yếu kém, thiếu đồng bộ (nhất là hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy nội địa, bến cảng).
Hệ thống logistics chậm phát triển.... khiến làm gia tăng chi phí, giảm khả năng cạnh tranh với các địa phương có điều kiện thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, lĩnh vực sản xuất nông nghiệp phụ thuộc rất lớn vào thời tiết, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra nhanh, mạnh và khó lường hơn dự báo.
Ông Lê Văn Nưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, bên cạnh nỗ lực và quyết tâm của các cấp chính quyền trong xúc tiến, kêu gọi đầu tư, tỉnh An Giang rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương giúp đưa An Giang trở thành điểm đến hấp dẫn với nhà đầu tư.
“Tỉnh An Giang sẽ kiến nghị các cơ quan chức năng quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn tới việc đầu tư cơ sở hạ tầng có tính chất liên thông, liên kết vùng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, hệ thống dịch vụ logistics, cảng sông nhằm xóa bỏ dần khoảng cách và những bất lợi về mặt địa lý để An Giang thực sự là một trong những điểm đến hấp dẫn cho nhà đầu tư; góp phần phát triển kinh tế xã hội của tỉnh cũng như Đồng bằng sông Cửu Long”, ông Nưng cho biết.
UBND tỉnh An Giang cũng kiến nghị các bộ, ngành Trung ương tiếp tục quan tâm, giới thiệu, kết nối tỉnh An Giang với các tổ chức quốc tế, các tham tán đầu tư và thương mại ở nước ngoài, đặc biệt là các thị trường còn nhiều tiềm năng như: Australia, New Zealand, Hàn Quốc, Singapore, Israel, Mỹ và một số nước châu Âu để gia tăng cơ hội và thu hút mạnh mẽ đầu tư FDI vào An Giang.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh An Giang, trong những tháng cuối năm 2019, tỉnh An Giang sẽ tổ chức đoàn xúc tiến đầu tư công nghệ cao, công nghiệp chế biến nông thủy sản tại Hàn Quốc và tìm cơ hội hợp tác tiêu thụ sản phẩm lúa gạo, thủy sản, trái cây. Cùng với đó, tham gia Diễn đàn Hợp tác Kinh doanh Nhật Bản - Mekong do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức tại Cần Thơ.
Ngoài ra, tỉnh An Giang sẽ phối hợp Hội đồng tư vấn du lịch quốc gia tổ chức Hội thảo tư vấn phát triển du lịch và tổng kết đánh giá, đề xuất hướng phát triển các sản phẩm du lịch An Giang; nghiên cứu đề xuất chủ trương đầu tư Dự án quảng bá du lịch tỉnh An Giang kết hợp với hoạt động dừng chân, nghỉ ngơi, ăn uống, tham quan du lịch sông nước tại Long Xuyên...