Amazon đang đẩy mạnh việc tuyển dụng các nhà bán hàng tại Việt Nam để cạnh tranh với Alibaba của Trung Quốc ngay tại sân sau của chính họ.
Việc tập trung vào thị trường Việt Nam là một phần trong chiến lược của Amazon nhằm tận dụng năng lực của các nhà cung cấp ở Châu Á, đặc biệt là Việt Nam. Theo thống kê mới nhất, lượng hàng hóa xuất khẩu của các thương nhân từ Việt Nam đã đạt trị giá ít nhất 1 triệu USD, tức tăng gấp 3 lần vào năm ngoái. Điều này khá dễ hiểu khi 2020 là một năm khó khăn và nhiều người buộc phải làm việc ở nhà do lệnh phong tỏa.
Amazon từ chối cho biết số lượng nhà cung cấp Việt Nam vượt mốc doanh thu 1 triệu USD. Tuy nhiên Amazon tiết lộ, sự gia tăng này một phần nhờ nhu cầu mua sắm dụng cụ, đồ dùng nhà bếp, thủ công mỹ nghệ, đồ gia dụng và quần áo.
Gijae Seong, người đứng đầu bộ phận Amazon Global Selling tại Việt Nam chia sẻ với tờ Nikkei: "Các nhà bán lẻ Việt Nam đã làm phong phú thêm sự lựa chọn sản phẩm trên toàn cầu của chúng tôi".
Hiện tại Việt Nam là nguồn cung cấp hàng đầu về quần áo, cà phê và hải sản trên thế giới. Nhưng trước đây hầu hết các sản phẩm được trung chuyển thông qua các nhà nhập khẩu chuyên nghiệp. Tuy nhiên kể từ sau khi các trang thương mại điện tử tăng trưởng và dần phổ biến tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam đã có thể vận chuyển các sản phẩm tới tận ngay người tiêu dùng nước ngoài mà không cần qua trung gian nhập khẩu. Đây chính là điều Amazon đang hướng đến.
Amazon Global Selling, công ty đưa các thương gia quốc tế lên nền tảng này đã mở văn phòng đại diện ở nhiều quốc gia như Trung Quốc đến Thái Lan. Và để tiếp cận thị trường Việt Nam, Amazon đã thành lập văn phòng tại Hà Nội để đào tạo các thương gia mới bằng tiếng Việt và bổ sung thêm chi nhánh tại Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 3/2021.
Seong cho biết các công ty Việt Nam "có lợi thế cạnh tranh trong lĩnh vực sản xuất" vì hiện đang có làn sóng chuyển dịch từ Trung Quốc sang Việt Nam để tránh tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Đây cũng là một cách để giảm chi phí và tránh các rủi ro khác.
Ngoài ra, Việt Nam cũng có lợi thế về kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ và các thị trường Châu Âu. Năm 2015, Việt Nam là đối tác nhập khẩu lớn thứ 11 của Mỹ nhưng chỉ sau 6 năm, Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 6. Điều này cho thấy kim ngạch thương mại giữa hai nước đang tăng trưởng khá tốt.
Trong khi đó, Mỹ cũng là khách hàng lớn nhất của Việt Nam, nhất là khi đại dịch Covid-19 làm thúc đẩy nhu cầu mua sắm các sản phẩm công nghệ, giải trí để phục vụ cho công việc và giải trí tại gia. Trong khi đó, Việt Nam lại là nơi đặt nhà máy và dây chuyền của nhiều hãng sản xuất thiết bị điện tử và phụ kiện có tiếng như Samsung, Foxconn, LG,…
Alibaba là công ty tiên phong trong việc đưa các thương gia nhỏ lên cửa hàng trực tuyến tại Trung Quốc trước khi mở rộng ra các thị trường khác. Và bây giờ Amazon đang làm điều tương tự ở Việt Nam âu cũng là điều hoàn toàn hợp lý.
Trên thực tế, nếu một nền tảng có nhiều nhà cung cấp hơn, nền tảng đó sẽ có sức hút và sức cạnh tranh cao hơn các nền tảng có ít sự lựa chọn. Điều này sẽ góp phần làm giảm giá bán sản phẩm và thu hút thêm các khách hàng trung thành với nền tảng mua sắm đó.
Đại dịch Covid-19 đã khiến nhiều công ty ở Việt Nam thay đổi chiến lược tiếp cận khách hàng từ kênh truyền thống sang trực tuyến. Một nghiên cứu từ Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam trong năm nay tiết lộ, 22% doanh nghiệp sử dụng chợ trực tuyến vào năm 2020, tăng so với con số 13% vào năm 2015.
Mặc dù vậy cả Amazon hay Alibaba đều có chung một vấn đề nan giải cần giải quyết trước mắt, đó là hàng giả. Hiện tại các nền tảng thương mại điện tử đều đau đầu tìm cách xử lý hàng giả lan tràn trên chợ trực tuyến và tìm giải pháp xử lý và răn đe các thương gia bán hàng giả.
Nguồn tin: VNReview
Ngày 10/10/2023
Ngày 06/05/2023
Ngày 31/03/2023
Ngày 31/03/2023
Ngày 31/03/2023