Ban chỉ đạo 389: Chống hàng giả, hàng kém chất lượng ở chợ Ninh Hiệp gặp nhiều khó khăn

Thứ hai - 05/08/2019 06:03
Nhiều cơ sở kinh doanh để đối phó với các lực lượng chức năng đã ghi hóa đơn thấp hơn nhiều so với giá trị thực tế, ghi tên mặt hàng và đơn vị tính chung chung để hợp thức lô hàng bị kiểm tra, khiến lực lượng chức năng thiếu căn cứ để xử lý.
Ban chỉ đạo 389: Chống hàng giả, hàng kém chất lượng ở chợ Ninh Hiệp gặp nhiều khó khăn
photo1564920176073 1564920176157 crop 15649201993471006643861

Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389) cho biết, chợ Ninh Hiệp - Gia Lâm (Hà Nội) là địa bàn phức tạp, giáp ranh tỉnh khác, có nhiều con đường chạy qua cho nên rất khó khăn cho công tác đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại.

Bên cạnh đó, việc nhận thức và hiểu biết pháp luật của các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trong chấp hành các quy định pháp luật trong kinh doanh thương mại và dịch vụ còn nhiều hạn chế, tình trạng kinh doanh không đúng ngành nghề, kinh doanh không đúng địa điểm ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; kinh doanh hàng hóa do nước ngoài sản xuất nhưng không có hóa đơn, chứng từ nguồn gốc xuất xứ; kinh doanh hàng hóa giả nhãn hiệu đã được bảo hộ tại Việt Nam... vẫn còn tiếp diễn. Các sản phẩm và nguyên vật liệu thuốc nam, thuốc bắc không có nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe người tiêu dùng.

Trong quá trình đấu tranh, ngăn chặn của các lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn như hàng hóa khi được vận chuyển về gần khu vực giáp ranh địa bàn xã Ninh Hiệp, các chủ hàng sẽ xé nhỏ số hàng hóa và vận chuyển vào trong địa bàn xã bằng các xe chở hàng nhỏ, xe ba gác qua các đường làng, thôn xóm hoặc thay đổi biển số xe, có người canh gác lực lượng chức năng tại các điểm nhạy cảm trên các ngả đường để đưa hàng vào để tránh sự kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng.

Một số chủ hàng và các người mua hàng không nhận thức đầy đủ các quy định của pháp luật vì vậy mà họ không có nhu cầu xuất hóa đơn và nhận hóa đơn đi kèm với số lượng hàng hóa khi lưu thông. Nhiều cơ sở kinh doanh để đối phó với các lực lượng chức năng đã ghi hóa đơn thấp hơn nhiều so với giá trị thực tế, ghi tên mặt hàng và đơn vị tính chung chung để hợp thức lô hàng bị kiểm tra, khiến lực lượng chức năng thiếu căn cứ để xử lý.

Mặt khác, do đặc điểm cho thuê mặt bằng tại địa bàn chỉ cho thuê 01 năm, giá cho thuê cửa hàng được điều chỉnh tăng theo từng năm nên các cửa hàng tại địa bàn xã Ninh Hiệp thường xuyên chuyển đổi địa điểm kinh doanh. Sau khi chuyển địa điểm, hầu hết các chủ cửa hàng đều không đăng ký lại hoặc thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện vậy nên các ban, ngành chuyên môn và lực lượng chức năng gặp khó khăn trong công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát.

Hàng hóa bày bán (sau khi mua đi bán lại) không có nhãn mác, đặc biệt hàng hóa là vải may mặc khi về đến Ninh Hiệp thì phần lớn biên vải không còn hoặc đã được xé lẻ thành tấm, miếng nhỏ, không xác định được nguồn gốc hàng hóa gây khó khăn cho lực lượng chức năng xác định là hàng nhập ngoại hay hàng sản xuất trong nước.

Về mặt hàng thuốc Đông dược: các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, thực hiện gia công, cắt thái sơ chế dược liệu tại hộ gia đình, ngõ xóm, không có biển hiệu, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát. Tuy nhiên, do nhận thức còn hạn chế nên đa phần bà con nông dân làm theo kinh nghiệm truyền lại từ đời trước và cho rằng đây là mặt hàng cây, rễ, củ, quả, là sản phẩm nông nghiệp nên không lấy hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc. Trong quá trình kiểm tra hàng hóa và hóa đơn chứng từ, trình độ chuyên môn của công chức kiểm tra, kiểm soát trong từng lĩnh vực còn nhiều hạn chế.

Do đó, Ban chỉ đạo 389 cho rằng để công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng vi phạm an toàn thực phẩm và vi phạm sở hữu trí tuệ đạt hiệu quả cao. Ngoài công tác chủ động kiểm tra kiểm soát thị trường, xử lý vi phạm hành chính thì công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và công tác phối hợp với các cơ quan chức năng trong công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm là đặc biệt quan trọng. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, có tác dụng phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, nâng cao nhận thức của người dân cũng như răn đe các đối tượng vi phạm, là một công tác không thể thiếu trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả hiện nay.

Chủ động thực hiện việc điều tra cơ bản, lập danh sách các hộ kinh doanh, phân loại ngành nghề và tỷ lệ chấp hành ĐKKD. Phối hợp với các cơ quan liên tỉnh, liên huyện, liên quận trong công tác trao đổi thông tin; phối hợp phòng ban chuyên môn của huyện và chính quyền xã Ninh Hiệp tổ chức tuyên truyền có trọng tâm trọng điểm các văn bản pháp luật trong kinh doanh thương mại.

Đồng thời, thực hiện việc tuyên truyền sâu rộng, dưới các hình thức qua ký cam kết; mở hội thảo nói chuyện với các hộ sản xuất, kinh doanh các mặt hàng kinh doanh có điều kiện, hạn chế kinh doanh hoặc qua các bài tuyên truyền, phát thanh trên hệ thống phát thanh của huyện. Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 389 huyện Gia Lâm phối hợp với đài phát thanh huyện thực hiện phát các bài tuyên truyền về kiến thức pháp luật, tác hại của việc kinh doanh hàng giả, hàng lậu cũng như tuyên truyền về công tác kiểm tra, kết quả xử lý các hành vi vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên hệ thống loa phát thanh của huyện và hệ thống loa phát thanh xã Ninh Hiệp nhằm tăng cường tính răn đe, nâng cao nhận thức của người dân.

Trong 06 tháng đầu năm 2019, BCĐ 389 huyện Gia Lâm đã chỉ đạo các đơn vị thành viên kiểm tra, xử lý 334 vụ về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Tổng số thu: 11.548.332.000 đồng; khởi tố 06 vụ đối với 04 đối tượng về hành vi sản xuất hàng giả và vận chuyển hàng cấm.

Nguồn tin: Quỳnh Anh - Nhịp sống kinh tế

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Thành viên liên kết
HTX Tư vấn thiết kế và xây dựng Việt Nam
bcsmart
Liên hiệp HTX Ocop Việt Nam
GMG
ocopshop
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây