Nếu đã từng đến những phiên chợ nơi vùng cao biên giới ở Hà Giang, du khách sẽ khó có thể quên nét đẹp văn hóa đặc sắc này.
Độc đáo các chợ phiên vùng cao Hà Giang
Chợ tình nổi tiếng nhất ở Hà Giang là chợ tình Khâu Vai ở huyện Mèo Vạc. Phiên chợ độc đáo này mỗi năm chỉ họp một lần vào ngày 27/3 âm lịch.
Theo một số tài liệu, chợ tình Khâu Vai đã có từ hơn 100 năm trước. Nguồn gốc của phiên chợ này, bắt đầu từ một câu chuyện tình đẹp nhưng kết thúc lại buồn. Gọi là chợ nhưng không có người mua và cả người bán. Trước kia, đến chợ là những người đã từng có mối tình trắc trở. Họ yêu thương nhau thực sự nhưng vì một lý do nào đó không lấy được nhau, nay mỗi người đều có gia đình riêng. Họ đến tìm gặp nhau để tâm sự, ôn lại những tình cảm xưa và chia sẻ cho nhau biết về cuộc sống riêng của mỗi người...
Chợ tình Khâu Vai hiện nay là hoạt động văn hóa, được tổ chức nhằm tái hiện những bản sắc văn hóa của đồng bào nơi đây. Chợ tình Khâu Vai hàng năm luôn thu hút rất đông khách du lịch trong và ngoài nước ghé thăm.Còn nếu đã có dịp ghé thăm các huyện Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc, Hoàng Su Phì, Đồng Văn, Xín Mần,… chắc chắn du khách không thể nào quên những nét độc đáo đặc sắc của các phiên chợ ở đây. Phần lớn các chợ ở Hà Giang thường không diễn ra hằng ngày, mà chỉ họp vào ngày định kỳ, có khi là thứ bảy, chủ nhật hay thứ ba, hoặc thứ sáu… Có chợ 5-7 hoặc 10 ngày mới họp một lần như chợ Khâu Vai họp vào các ngày mùng 2, 7, 12, 17, 22 và 27 âm lịch trong tháng. Đặc biệt, có nhiều chợ họp vào những ngày âm lịch tương ứng với những con giáp như chợ Ma Lé, chợ Phó Bảng họp vào ngày Tý và ngày Ngọ; chợ Lũng Cú, chợ Sủng Trái, họp vào ngày Sửu và ngày Mùi; chợ Lũng Phìn, họp vào ngày Dần và ngày Thân; chợ Phố Cáo, họp vào ngày Thìn và ngày Tuất; chợ Xà Phìn, họp vào ngày Tỵ và ngày Hợi…
Có những chợ sát biên giới Trung Quốc như chợ Nghĩa Thuận, họp vào ngày Thìn và ngày Tuất, ngày hôm trước ở Việt Nam thì hôm sau ở Trung Quốc…
Hình ảnh người dân tộc Dao tại chợ phiên Phương Độ - TP Hà Giang. Ảnh: NÚI XANH
Tìm hiểu văn hóa, tập tục cứ đến... chợ
Theo anh Sùng Mí Lúa, người dân tộc Mông, hướng dẫn viên du lịch của chúng tôi, du khách đến với Hà Giang ngoài dịp được chiêm ngưỡng khung cảnh điệp trùng núi rừng, cảnh sắc cao nguyên đá, thì hầu như ai cũng có ý muốn được biết thêm về văn hóa, đời sống sinh hoạt thường ngày của người dân bản địa. Chính những phiên chợ gần như vẫn nguyên vẹn nét hoang sơ, bản sắc văn hóa của các dân tộc vùng cao, mang tính đặc trưng của vùng đất này sẽ đáp ứng được phần nào nhu cầu du khách.
Muốn tìm hiểu văn hóa, tập tục địa phương, hãy đến chợ. Ảnh: NÚI XANH
Tuy nhiên, du khách cũng rất dễ nhận ra, hầu như các phiên chợ đều có một điểm giống nhau, đó là khung cảnh sinh động, đầy sắc màu của đồng bào các dân tộc vùng cao như: Tày, Nùng, Hán, Mông, Hoa, Dao… Từng đoàn người nô nức, xúng xính trong những bộ trang phục dân tộc từ các bản làng rủ nhau đi chợ.
Đến chợ hầu như ai cũng mang theo những sản phẩm nông sản, gia súc, gia cầm sẵn có của mình đến để trao đổi, mua bán.
Người dân tộc Dao tại chợ phiên Phương Độ - TP Hà Giang mang đến những sản vật của mình. Ảnh: NÚI XANH
Có chị người dân tộc Dao trải cái bao gạo ra, ngồi bán vài cân trà Shan tuyết nhà làm, có anh người Mông tay xách theo con gà, vai đeo giỏ măng tươi, đùm thảo quả đứng nơi đầu chợ, ai hỏi mua thì bán… Có người đem đến chợ bao rau rừng xanh mướt, du khách phải tò mò khi nghe những cái tên: rau đắng, rêu đá, vón vén, tầm bóp, ngũ gia bì… rồi phải hỏi người bán rau ấy chế biến để ăn như thế nào.
Mỗi khu chợ đều có vài loại đặc sản riêng đặc trưng của địa phương mình như thịt trâu khô, thân cây cọ, con nhộng cọ. Có nơi sau mùa cày cấy thì chợ lại có món chẫu chàng, ngóe phơi khô xâu từng xiên thường được người miền xuôi gọi vui là “vũ nữ chân dài”.
Nơi nhộn nhịp nhất ở mỗi phiên chợ có lẽ là khu bán hàng lưu niệm và các sản phẩm đặc trưng tiêu biểu của địa phương. Đặc biệt, gần như chợ nào cũng có khu vực phục vụ người đi chợ, với các món ẩm thực truyền thống, như: bánh bột tam giác mạch, xôi ngũ sắc, mèn mén, thắng cố, rượu ngô men lá…
Người dân tộc Tày, Nùng tại chợ phiên ở Hoàng Su Phì. Ảnh: NÚI XANH
Trong tất cả các chợ phiên ở Hà Giang, chợ phiên Đồng Văn chính là nơi trao đổi, giao thương lớn nhất cao nguyên đá Đồng Văn. Chợ được đánh giá là một trong những chợ phiên được du khách biết đến nhiều nhất và cũng yêu thích nhất. Khu chợ ở ngay phố cổ, trung tâm thị trấn. Chợ được xây dựng gần 100 năm nay theo phong cách của Pháp và Hoa. Ở đây có những ngôi nhà cổ có lịch sử trên 200 năm tuổi, đôi khi nhìn qua cứ ngỡ như lạc vào phố cổ Hội An.
Những dãy phố và ngôi nhà cổ trên 200 năm tuổi tại chợ phiên Hà Giang. Ảnh: NÚI XANH
Nếu trùng thời điểm, du khách có thể được tham gia những phiên chợ đêm, xem biểu diễn văn hóa – văn nghệ ở thị trấn Đồng Văn, Mèo Vạc, Cốc Pài, Phương Độ… Chủ yếu là các nghệ nhân không chuyên ở địa phương sẽ biểu diễn các loại nhạc cụ dân tộc đặc trưng, trình diễn những làn điệu dân ca, hát then, hát đối giao duyên, múa phục vụ công chúng.
Quy ước “bất thành văn” ở chợ phiên
Đến phiên chợ vùng cao, du khách có thể hòa mình vào việc mua bán của người dân tộc nơi đây để hiểu thêm về văn hóa, tập tục của người bản địa hay tìm mua cho mình những đặc sản địa phương làm quà.
Tuy nhiên hầu hết các chợ đều có một số quy ước bất thành văn như: Khi mua hàng phải tránh mặc cả hoặc kì kèo trả giá. Không được trêu chọc con gái. Du khách có thể mặc đồ dân tộc để đi chợ, nhưng riêng phiên chợ tình Khâu Vai, không ai được mặc quần áo của đồng bào dân tộc và không được huýt sáo…
Những sản vật địa phương tại các chợ phiên. Ảnh: NÚI XANH
Ngày nay, ở nhiều vùng miền xuôi, đi chợ chỉ để phục vụ nhu cầu mua sắm đơn thuần, nhưng ở vùng cao này. nhiều người đôi khi không mua bán gì, cứ nhớ ngày lại xuống núi tới chợ. Họ vẫn ăn mặc đẹp tới đây, đơn giản chỉ để trao đổi, hẹn hò gặp gỡ bạn bè và thưởng thức những sản phẩm của vùng quê mình. Chính họ đã tạo cho chợ phiên Hà Giang luôn nhộn nhịp, rực rỡ sắc màu như một ngày hội.
Nguồn: https://baomoi.com/doc-dao-nhung-phien-cho-vung-cao-o-ha-giang/c/43819341.epi
Ngày 10/10/2023
Ngày 06/05/2023
Ngày 31/03/2023
Ngày 31/03/2023
Ngày 31/03/2023