Đà Nẵng hình thành những vùng sản xuất nông sản sạch

Thứ ba - 25/08/2020 23:13
Nhiều năm qua, thành phố Đà Nẵng hướng đến mục tiêu phát triển ngành nông nghiệp bền vững trên 3 trụ cột: kinh tế, xã hội và môi trường. Theo đó, thành phố đẩy mạnh tái cơ cấu, xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, có giá trị gia tăng cao và hiệu quả; tạo sản phẩm nông nghiệp bảo đảm an toàn thực phẩm, gắn với đô thị hóa nông thôn, nâng cao đời sống của người dân.
Đà Nẵng hình thành những vùng sản xuất nông sản sạch

Thành phố Đà Nẵng đã cơ bản hình thành vùng sản xuất nông sản sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) với nhiều sản phẩm chủ lực như rau xanh các loại, dưa lưới… theo mô hình khép kín, đạt chuẩn an toàn. Hầu hết, các loại nông sản sạch đã bắt đầu có chỗ đứng trên thị trường, được người tiêu dùng đón nhận.

 “Thủ phủ” nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Nằm ở xã Hòa Khương (huyện Hòa Vang), trang trại nông sản sạch GreenTech Farm của ông Lê Văn Tuấn là một trong những mô hình nông nghiệp CNC được đầu tư và xây dựng trên địa bàn huyện Hòa Vang trong vài năm trở lại đây.

1531450799 lien ket

Trên diện tích 1ha, ông Tuấn xây dựng hệ thống 5 nhà lưới để gieo trồng dưa lưới và 2 nhà lưới trồng rau thủy canh, năng suất trung bình mỗi ngày cung ứng ra thị trường 100-150kg rau các loại và 3-3,5 tấn dưa lưới/tháng; giải quyết việc làm cho 9 lao động tại địa phương với mức thu nhập trung bình 6-8 triệu đồng/tháng. Ông Lê Văn Tuấn cho biết, mặc dù “sinh sau đẻ muộn”, nhưng Đà Nẵng là thị trường có nhiều tiềm năng cho lĩnh vực nông nghiệp CNC, nhất là khi đời sống kinh tế của người dân được nâng cao.

Tại xã miền núi Hòa Phú, Công ty CP nông nghiệp CNC Afarm là một trong những đơn vị phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại. Ông Nguyễn Tấn Phương, Giám đốc Công ty CP nông nghiệp CNC Afarm cho hay, đơn vị đã đầu tư nguồn vốn trên 10 tỷ đồng để hoàn thiện toàn bộ trang trại sản xuất với hệ thống nhà kính và điều khiển hoàn toàn tự động, có quy trình kiểm soát an toàn vệ sinh nghiêm ngặt; tất cả các sản phẩm đều đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong những năm gần đây, việc ứng dụng mạnh mẽ CNC và phương pháp sản xuất hữu cơ vào quá trình nuôi, trồng đã góp phần đem lại cho thành phố nguồn nông sản sạch, đa dạng và phong phú về chủng loại từ rau xanh đến các loại củ, quả, vật nuôi… Tại địa bàn trọng điểm nông nghiệp ở huyện Hòa Vang, nông nghiệp sạch, nông nghiệp CNC thu hút sự quan tâm, đầu tư của khối kinh tế tư nhân.

images1577613 3 KN IMG 6154

Các doanh nghiệp, hợp tác xã thường xuyên tăng cường đầu tư, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất rau sạch, an toàn theo hướng VietGAP như: sử dụng giống mới, bảo đảm năng suất, chất lượng và có sức chống chịu tốt với các sâu bệnh hại; hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; ứng dụng các máy móc, thiết bị cơ giới hóa trong các khâu làm đất nhằm giảm công lao động, giảm thời gian làm đất, giúp nâng cao năng suất, hiệu quả trong sản xuất rau.

Hiện tại, các vùng chuyên canh rau sạch của thành phố có 21 máy làm đất cầm tay được sử dụng trong khâu làm đất. Ngoài ra, việc đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà kính, hệ thống tưới tiên tiến giúp năng suất cây trồng tăng lên đáng kể.

Tính đến thời điểm này, toàn thành phố đã hình thành 16 mô hình ứng dụng CNC đối với các sản phẩm rau, hoa, nấm. Trong đó, diện tích phát triển sản xuất rau an toàn, sạch đạt chuẩn VietGAP, sản xuất theo hướng hữu cơ và tiêu thụ rau an toàn trên toàn thành phố là 484ha. Cụ thể, diện tích sản xuất rau an toàn là 91,7 ha; diện tích sản xuất theo quy trình VietGAP là 141,35ha, trong đó rau, củ, quả 41,35ha; lúa sản xuất theo quy trình VietGAP  là 100 ha.

Diện tích sản xuất theo hướng hữu cơ đạt 250,95ha, trong đó có 18 cánh đồng lúa đạt 232,1ha; rau, màu 18,85ha. Ngoài ra, đã phát triển sản xuất hữu cơ ở các loại cây trồng khác như: dưa hấu, dưa kim cô nương:  diện tích 15,8ha, rau hữu cơ: diện tích 3,35ha, lạc hữu cơ: 15,1ha tại các xã Hòa Nhơn, Hòa Tiến, Hòa Bắc. Có 2 cơ sở được chứng nhận là cơ sở an toàn dịch bệnh.

Các vùng chuyên canh trên các lĩnh vực khác cũng đang được tập trung phát triển, theo đó đã hình thành được 3 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung tại các xã Hòa Bắc, Hòa Phú, Hòa Sơn, Hòa Ninh. Đã có 25 sản phẩm nông nghiệp được hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu gắn với Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” và đã hình thành các mô hình liên kết, sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn, chủ lực giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã với các bếp ăn tập thể, trường học.

Một số điểm đã kết nối các đơn vị trường học, triển khai các tour, tuyến tham quan cho học sinh nhằm tăng cường việc quảng bá cũng như tạo thêm đầu ra cho sản phẩm. Một số doanh nghiệp đầu tư các dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC có quy mô trên địa bàn thành phố như: Công ty CP nông nghiệp CNC Afarm (xã Hòa Phú), Công ty CP Greentech (xã Hòa Khương), Dự án rau, củ quả tại Hòa Ninh của HTX rau, củ quả Hòa Vang…

Sản phẩm đã tiếp cận thị trường

Sau hơn 3 năm đầu tư, đến nay, sản phẩm dưa lưới và rau thủy canh từ trang trại nông sản sạch GreenTech Farm của ông Lê Văn Tuấn (xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang) đã có mặt tại các siêu thị lớn trên địa bàn như Co.opmart, Big C, MM Mega Market. Trong khi đó, trung bình mỗi ngày, có hơn 1 tấn rau, củ, quả sạch từ vùng rau La Hường (phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ), vùng trồng rau sạch với sản lượng lớn hàng đầu của thành phố, được đem đi tiêu thụ tại thị trường Đà Nẵng qua nhiều kênh phân phối khác nhau như: các cửa hàng nông sản sạch, bếp ăn tập thể, khách sạn, chợ truyền thống, siêu thị…

118307077 795832367893471 2135490643731898426 n

Để giữ tiêu chuẩn nông sản sạch theo chuẩn VietGAP, người nông dân ở vùng rau La Hường phải tuân thủ việc hoàn toàn không sử dụng các chất bảo vệ thực vật khi gieo trồng và sản xuất. Nhờ có đầu ra ổn định, thu nhập bình quân của mỗi xã viên tại vùng rau La Hường đạt khoảng 80 - 100 triệu đồng/năm.

Ông Lê Hoàng Duy, sáng lập website rauque.vn (Rau Quê) - trang web hoạt động như một trang thương mại điện tử dựa trên việc kết nối trực tiếp người nông dân tại các làng rau hữu cơ, an toàn, đạt chuẩn VietGAP đến người dân thông qua mạng Internet nhằm loại bỏ những khâu trung gian, giúp người tiêu dùng mua được nông sản an toàn, bảo đảm về giá cả, chất lượng - nhìn nhận, thị trường mua bán nông sản sạch tại Đà Nẵng khá sôi động do nhu cầu sử dụng của người dân ngày càng tăng cao. Đây chính là ưu thế để các nhà cung ứng nông sản sạch trên địa bàn thành phố có cơ hội để chinh phục thị trường.

Bà Vũ Thị Bích Hậu, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết, trong những năm qua, nhờ áp dụng công nghệ cao vào hoạt động sản xuất như: sản xuất hữu cơ, nuôi cấy giống mới, trồng rau, quả sạch theo mô hình nhà kính, thủy canh… đã góp phần hình thành nên các vùng cung ứng nguồn nông sản sạch cho thành phố, bước đầu tạo được “thương hiệu” trên thị trường.

Để có thành quả này, thời gian qua, thành phố Đà Nẵng đã  triển khai nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư, nghiên cứu tạo công nghệ, giải mã công nghệ, thiết kế chế tạo thiết bị công nghệ, tiếp nhận công nghệ tiên tiến, công nghệ tạo sản phẩm mới, sản phẩm công nghệ cao phục vụ phát triển sản xuất, tăng năng suất lao động, chất lượng sản phẩm và giảm các chi phí, tác động xấu đến môi trường. Chính sách cũng khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, xây dựng tiêu chuẩn cơ sở, đánh giá chứng nhận sản phẩm hợp chuẩn hợp quy và triển khai các hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng, sở hữu trí tuệ.

Ông Nguyễn Đình Khánh Vân, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố nhìn nhận, thời gian qua, Hội Nông dân đã tổ chức nhiều phiên chợ nông sản tại các quận, huyện nhằm quảng bá sản phẩm, tạo điều kiện giúp người dân địa phương tham gia trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm và các xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, hợp tác liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, có cơ hội tiếp cận những nông sản sạch, chất lượng, an toàn ở nhiều vùng trên cả nước.

117335055 784941055649269 5640291951604876188 o

Còn theo Sở Công thương Đà Nẵng, sản phẩm nông sản sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã bước đầu tiệm cận được với thị trường, nhất là ở hệ thống các cửa hàng rau, củ, quả sạch, một số siêu thị mini… cũng như góp mặt ngày càng nhiều ở các chương trình xúc tiến thương mại do thành phố tổ chức.

Thời gian qua, sở Công thương Đà Nẵng đã triển khai nhiều hoạt động xúc tiến, quảng bá, tìm kiếm đối tác, thị trường tiêu thụ sản phẩm, xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm như chương trình Phát triển thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp của thành phố Đà Nẵng và chương trình hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá thương hiệu hướng đến xuất khẩu; duy trì hai điểm bán hàng Việt tại chợ Hàn và chợ Cồn… qua đó, góp phần giới thiệu sản phẩm sạch, sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao của thành phố đến với người tiêu dùng.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Thành viên liên kết
HTX Tư vấn thiết kế và xây dựng Việt Nam
bcsmart
Liên hiệp HTX Ocop Việt Nam
GMG
ocopshop
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây