Nâng cao thu nhập cho người nông dân luôn là một trong những chỉ tiêu khó, nhưng lại là yếu tố quyết định đến sự thành công của Chương trình xây dựng NTM. Để có lời giải cho bài toán này, Quảng Ninh đã trở thành tỉnh đầu tiên trong cả nước triển khai thực hiện chương trình OCOP với cách làm linh hoạt, sáng tạo, đột phá để phù hợp với điều kiện thực tế ở các vùng nông thôn của tỉnh. Theo đó, tỉnh xây dựng cơ chế chính sách, tìm giải pháp phù hợp để hỗ trợ chương trình OCOP phát triển. Đồng thời, Ban Chỉ đạo chương trình OCOP tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao kỹ năng nghiệp vụ về chương trình OCOP, công tác quản lý chất lượng sản phẩm và công tác quản lý VSATTP. Gắn liền với đó là phát triển chuỗi các giá trị sản phẩm OCOP, thương mại điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý sản phẩm và tổ chức sản xuất…
Theo ông Nguyễn Văn Vọng, Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh, từ xuất phát điểm còn nhiều vùng sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả, không ít doanh nghiệp hoạt động hết sức bấp bênh, đến nay Quảng Ninh đã có liên tiếp những bước đột phá về thực hiện nhóm tiêu chí kinh tế và tổ chức sản xuất trong xây dựng NTM. Bao gồm phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh; thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn hợp lý; bảo vệ môi trường và bảo tồn giá trị truyền thống của các vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh… Chương trình OCOP đã giúp cho bao ý tưởng của người nông dân, doanh nghiệp trở thành hiện thực và làm giàu trên chính mảnh đất mình sinh sống. Nhiều nhãn hiệu OCOP đã nhanh chóng trở thành thương hiệu mạnh của tỉnh Quảng Ninh trên phạm vi cả nước và dần từng bước xâm nhập thị trường quốc tế.
Cách làm chưa có tiền lệ của Quảng Ninh đã thực sự đánh thức, khơi dậy nhiều tiềm năng riêng có của mỗi miền quê. Ngày 7-5-2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 490/QĐ-TTg, phê duyệt Chương trình OCOP triển khai trên toàn quốc. Qua đó nhằm phát huy thế mạnh, đặc thù ở mỗi địa phương để thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn bền vững, góp phần giảm nghèo, tăng thu nhập, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở nông thôn, đồng thời khắc phục những hạn chế của Chương trình xây dựng NTM. Trong đó, ngoài sự cố gắng nỗ lực, phấn đấu không ngừng của chính doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân, vai trò của nhà nước phải thực sự là động lực tạo sức bật mới, phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương về sản phẩm đặc sản, ngành nghề nông thôn thông qua việc kết nối thị trường.
Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã phát triển được trên 500 sản phẩm OCOP, với gần 270 sản phẩm được xếp hạng từ 3-5 sao. Nhiều doanh nghiệp mạnh đã đầu tư những dự án nông nghiệp với quy mô lớn, phát triển những sản phẩm chất lượng cao, tạo việc làm và nâng cao thu nhập của người dân. Đơn cử, như Công ty TNHH MTV Newstar với sản phẩm nước mắm sá sùng Vân Đồn thương hiệu Vanbest được tỉnh Quảng Ninh công nhận 4 sao, đã thành công đăng ký nhãn hiệu tại 16 quốc gia và mới đây nhất đã được Liên hiệp các hội KHKT Việt Nam trao tặng danh hiệu top 10 thương hiệu nổi tiếng châu Á – Thái Bình Dương năm 2022. Những năm qua, sản phẩm của công ty này luôn được quản lý chặt chẽ theo các tiêu chuẩn ISO quốc tế; việc xử lý dẫn chất Histamin (tác nhân gây dị ứng từ hải sản) trong sản phẩm cũng đã đạt chuẩn dưới ngưỡng cho phép của tiêu chuẩn Codex Quốc tế…
Niềm tin từ chương trình OCOP chính là ngày càng nhiều sản phẩm OCOP vươn xa, tỏa sáng với thương hiệu mang đậm nét vùng miền riêng có của Quảng Ninh. Niềm tin đó còn được thể hiện thông qua bản lĩnh của mỗi doanh nghiệp, hợp tác xã đang hoạt động sản xuất, kinh doanh, mà con số về sự tăng trưởng trong doanh thu là minh chứng sống động để biến khát vọng thành hiện thực.
Sự nỗ lực vươn lên của các doanh nghiệp, hợp tác xã cùng người nông dân, cộng với cách làm bài bản sáng tạo của tỉnh Quảng Ninh trong xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP, đã và đang góp phần tích cực trong phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị. Thời gian tới, các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP sẽ tiếp tục được đầu tư tương xứng với tiềm năng của địa phương, đồng thời người dân ở các vùng miền trong tỉnh sẽ phát huy sức sáng tạo, nâng cao hơn nữa chất lượng các sản phẩm mang sắc thái riêng biệt của các địa phương trên địa bàn tỉnh.
Tác giả bài viết: Báo Quảng Ninh
Ngày 10/10/2023
Ngày 06/05/2023
Ngày 31/03/2023
Ngày 31/03/2023
Ngày 31/03/2023