Nhộn nhịp chuẩn bị điểm thanh toán số
Giữa tháng 12/2022, UBND tỉnh Bến Tre và NHNN chi nhánh tỉnh đã phối hợp tổ chức Lễ phát động thực hiện mô hình “Tuyến phố không tiền mặt” và ra quân cao điểm thanh toán không tiền mặt dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023.
Ông Nguyễn Trúc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết, tuyến phố không tiền mặt của địa phương sẽ được tổ chức trên đoạn Công viên An Hội đến vòng xoay Tân Thành và mở rộng đến đường Nguyễn Đình Chiểu (thuộc TP. Bến Tre). Song song với tuyến phố này, hoạt động thanh toán không tiền mặt sẽ được triển khai đồng loạt từ ngày 17/12/2022 đến 5/02/2023 tại các chợ truyền thống áp dụng thanh toán số và các trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn toàn thành phố Đồng Khởi.
Ảnh minh họa |
Ông Vũ Hồng Dụ, Giám đốc Agribank Bến Tre cho biết, để chuẩn bị cho việc triển khai tuyến phố không tiền mặt, trong suốt quý IV này, Agribank và nhiều NHTM cũng như các công ty fintech đã ráo riết chuẩn bị, đưa vào thí điểm các sản phẩm dịch vụ thanh toán số hóa phù hợp với người dân. Riêng Agribank đã áp dụng dịch vụ E-Mobile Banking, dán các mã chấp nhận thanh toán QR Code, trang bị máy gửi, rút tiền tự động (Auto Bank CDM) tại các tuyến phố và quanh khu vực các siêu thị, hệ thống chợ 4.0. Hiện đã có hàng trăm cơ sở kinh doanh cung cấp dịch vụ mở tài khoản thanh toán và đăng ký sử dụng các dịch vụ không tiền mặt. Song song đó, các ngân hàng đã xây dựng được gần 300 đơn vị chấp nhận thẻ và vận hành gần 50 máy CDM/ATM để phục vụ nhu cầu thanh toán cho người dân trong dịp Tết Nguyên đán.
Không chỉ Bến Tre, hay Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM, hiện nay mô hình phố đi bộ không tiền mặt bắt đầu lan tỏa khá mạnh tại các địa phương có đông khách du lịch như Lâm Đồng, Khánh Hòa, Vũng Tàu, Kiên Giang…
Đơn cử, tại Lâm Đồng, hiện địa phương này đã triển khai đề án phát triển kinh tế ban đêm tại TP. Đà Lạt. Trong dịp Tết Nguyên đán 2023, dự kiến sẽ triển khai thí điểm phố đi bộ không tiền mặt Trần Quốc Toản (đoạn từ giao lộ Đinh Tiên Hoàng đến vườn hoa TP. Đà Lạt). Đồng thời mở rộng mô hình chợ đêm tại khu vực Công viên Ánh Sáng và tuyến phố ẩm thực tại khu vực đường Trần Lê và hồ Hoàng Văn Thụ.
Tại Khánh Hòa, bà Phan Thị Thu Cúc, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, sau thành công của tháng không tiền mặt và mô hình chuyến xe không tiền mặt sắp tới đây, ngành Công Thương sẽ kiến nghị triển khai phương án không dùng tiền mặt tại các chợ truyền thống. Trong dịp Tết Nguyên đán này và trong năm 2023 dự kiến địa phương sẽ thí điểm tuyến phố không tiền mặt. Trước mắt sẽ thực hiện tại các “phố Tây” ở TP. Nha Trang sau đó nhân rộng ra các phố khác.
Tạo thói quen không tiền mặt nhiều lĩnh vực
Thực tế cho thấy, không chỉ các mô hình chợ 4.0, phố đi bộ không tiền mặt mà với sự vào cuộc chủ động từ hệ thống TCTD, hoạt động thanh toán không tiền mặt hiện nay đã xâm nhập khá sâu rộng vào mọi ngóc ngách của đời sống.
Hiện nay nhiều mô hình sản xuất tiêu thụ nông sản khép kín tại các tỉnh, thành đã áp dụng các hình thức thanh toán không tiền mặt. Bao gồm cả việc vay vốn online, thanh toán vật tư, bán hàng hóa trên các sàn điện tử và các ứng dụng di động của siêu thị, sạp chợ. Theo thống kê của CTCP Thanh toán Quốc gia (Napas) hiện tại, cả nước đã có gần 72.000 điểm giao dịch, cung cấp dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt được triển khai, trong đó hơn một nửa nằm ở các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Dịch vụ thanh toán không tiền mặt hiện rất phổ biến, phục vụ các nhu cầu thường nhật của người dân như: thanh toán hóa đơn, thanh toán mua hàng trên các sàn điện tử, thanh toán tại các sạp chợ, siêu thị, các hợp tác xã OCOP, đặt tour du lịch,… Thậm chí trong các dịp lễ, tết ngay cả hoạt động cúng dường vào các đền, chùa của người dân cũng đã được nhiều địa phương áp dụng hình thức không tiền mặt thông qua việc quét mã QR và thanh toán bằng ví điện tử.
Bà Mai Thị Thanh Oanh, Giám đốc Kinh doanh và Đối ngoại của CocCoc cho biết, theo khảo sát, hiện nay gần một nửa người dùng trình duyệt CocCoc trên internet chọn sử dụng các phương thức thanh toán chuyển khoản, ví điện tử và thẻ tín dụng. Trong dịp Noel, năm mới Dương lịch và Tết Nguyên đán một lượng lớn công nhân, lao động trẻ tại các thành phố lớn sẽ di chuyển về quê ăn tết và trải nghiệm du lịch. Do đó, việc các địa phương mở rộng các tuyến phố, chợ không tiền mặt sẽ thu hút lượng thanh toán lớn. Chưa kể rằng, nhóm người trẻ sẽ là cầu nối lan tỏa tiện ích thanh toán không tiền mặt đến cha mẹ, người lớn tuổi trong việc mua sắm chuẩn bị ngày Tết, đồng thời tận dụng các khuyến mại, giảm giá từ các thương hiệu, cửa hàng, sạp chợ khi thanh toán bằng ví điện tử, hoặc thẻ ngân hàng.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Linh Trang, Giám đốc Trung tâm thanh toán và Dịch vụ hàng ngày của MoMo cũng cho rằng, thói quen thanh toán không tiền mặt đã bắt đầu lan tỏa mạnh. Sau thành công tại các phố đi bộ tại Đà Nẵng, hiện MoMo đã mở rộng địa bàn sang các khu vực khác tại Hội An, Huế. Trong đó, nhắm đến “phủ sóng” tất cả các dịch vụ hàng ngày, như thu phí không dừng, thanh toán tiền mua hàng, đặt phòng khách sạn, thu phí giữ xe, vé tham quan du lịch… “Với sự lan tỏa này, thói quen thanh toán không dùng tiền mặt của người dân nhiều địa phương sẽ được hình thành và duy trì. Nhiều khả năng, các tuyến phố, chợ không tiền mặt sẽ tiếp tục là xu hướng được nhiều tỉnh, thành mở rộng và phát triển trong các năm tới”, bà Trang nhận định.
Tác giả bài viết: https://thoibaonganhang.vn/lan-toa-pho-cho-khong-tien-mat-134745.html
Ngày 10/10/2023
Ngày 06/05/2023
Ngày 31/03/2023
Ngày 31/03/2023
Ngày 31/03/2023