Kỳ vọng về bưởi OCOP của nông dân “thủ phủ” bưởi Diễn

Thứ hai - 02/01/2023 20:33
“Được mùa, được giá nhưng vẫn trăn trở về nâng tầm giá trị sản phẩm thương hiệu”, đó là tâm lý chung của nhiều nhà vườn ở “thủ phủ” bưởi Diễn thuộc làng Diễn trước đây (nay là quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội).

Năm 2022 được đánh giá là năm mang lại hiệu quả kinh tế cao với những nhà vườn trồng bưởi Diễn tại phường Minh Khai, Phú Diễn, Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Ở một số vùng trồng bưởi khác, người trồng bưởi lại đang phải đối mặt khó khăn lớn trong khâu tiêu thụ, thậm chí giá chỉ còn vài nghìn đồng/quả.

Việc thắng lớn vụ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 lại khiến cho nhiều nhà vườn trăn trở trước nhu cầu của thị trường, chinh phục những vị khách khó tính và ước muốn đưa thương hiệu  bưởi Diễn của làng Diễn trước đây vươn xa trong thời gian tới. 

Từ xa xưa, người Hà Thành vẫn thường truyền tai nhau rằng “Cam Canh, Bưởi Diễn, Hồng Xuân Đỉnh”. Bưởi Diễn – loại quả được trồng phổ biến trên đất ba phường Phú Diễn, Minh Khai, Phúc Diễn ngày nay. 

Kỳ vọng về bưởi OCOP, VietGAP của nông dân “thủ phủ” bưởi Diễn
Cây bưởi trồng hữu cơ cho quả to mọng, ngọt đậm. 

Tương truyền những bậc thầy ẩm thực từ xa xưa đã ngợi ca bưởi Diễn là: “Loại quả lưu niên, có da xanh, khi chín đổ màu vàng tươi (bưởi), mùi thơm mát (hoa bưởi), ăn vào ngọt mát tỉnh hẳn người, không thể nào quên”. 

Ước mơ về bưởi Diễn OCOP chính gốc

Được xem là giống cây quý nên từ đời này sang đời khác, những người dân làng Diễn vẫn sống chết gắn bó với cây bưởi. Ông Phí Xuân Sương (sinh năm 1950, phường Phúc Diễn) chia sẻ: “Tôi đã gắn bó với nghề trồng bưởi của làng nghề gần cả đời người. Ngày trước, khi thời kỳ bao cấp vẫn còn thì giống bưởi làng Diễn chỉ được trồng số ít trong nhà, phục vụ cho việc cúng bái, lễ, Tết. Đến những năm đổi mới, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước cùng những chính sách thức thời mà bưởi làng Diễn như sống lại. Tốc độ phát triển, nhân giống lớn chưa từng thấy cả về diện tích trồng, cây con giống đến lượng quả thu hoạch, đem lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân”.

Kỳ vọng về bưởi OCOP, VietGAP của nông dân “thủ phủ” bưởi Diễn
Đôi tay thoăn thoắt của ông Sương đang thu hoạch từng trái bưởi căng mọng được khách đặt trước. 

Đôi tay thoăn thoắt thu hoạch từng trái bưởi căng mọng được khách đặt trước, ông Sương vui mừng nói: “3 sào (tương đương hơn 1.000m2) bưởi năm nay được mùa, mỗi cây cho về được từ 60 – 120 quả. Giá bán buôn tại vườn đối với loại quả ngon, mẫu mã đẹp từ 35.000-40.000 đồng/quả, loại chất lượng thấp hơn giá dao động từ 20.000-30.000 đồng/quả”.

Để chúng tôi có cảm nhận khách quan nhất về bưởi Diễn chính gốc và các vùng trồng bưởi Diễn khác, ông Sương chọn một quả trên cây rồi bổ trực tiếp cho chúng tôi thưởng thức. 

Ông cho biết, bưởi Diễn của làng Diễn có đặc trưng rất thơm, hương thơm không vùng nào có thể so sánh được. Cây càng lâu năm thì cho quả vừa phải, vỏ càng mỏng, ăn ngọt đậm như mía. Vỏ bưởi Diễn có màu vàng, căng mọng, bóng bẩy, không sần sùi như các loại bưởi khác. Bưởi Diễn ăn hoàn toàn có vị ngọt, không he đắng, không khô đầu, không có vị chua. 

Kỳ vọng về bưởi OCOP, VietGAP của nông dân “thủ phủ” bưởi Diễn
Ông Sương bổ bưởi tại vườn của mình và chỉ rõ nét đặc trưng rất thơm, hương thơm không vùng nào có thể so sánh được. 

Điều khiến ông Sương trăn trở lúc này chính là vườn bưởi của mình có thể đủ điều kiện đạt tiêu chuẩn OCOP. Ông bộc bạch: “Nếu bưởi Diễn của gia đình đạt tiêu chuẩn theo chương trình OCOP sẽ xây dựng lòng tin của khách hàng với sản phẩm, tạo ra nông sản có giá trị, chất lượng kinh tế cao”. 

Theo tìm hiểu của phóng viên, giống bưởi Diễn đã được trồng ở nhiều địa phương khác nhau tại các tỉnh Bắc Bộ. Hiện bưởi Diễn của nhiều nhà vườn thuộc các huyện Chương Mỹ, Thường Tín, Phú Xuyên… đã được công nhận là sản phẩm OCOP của thành phố Hà Nội nhưng lại chẳng thấy có một thương hiệu của làng Diễn. 

Có thể kể đến như: Sản phẩm bưởi Diễn của Hợp tác xã cây ăn quả Bình Minh, thôn Cao Xá, xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín; hộ kinh doanh Nguyễn Văn Đài, thôn Ứng Cử, xã Vân Từ, huyện Phú Xuyên; hộ kinh doanh Nguyễn Tiến Luyện, thôn Lam Điền, xã Lam Điền, huyện Chương Mỹ; hợp tác xã Núi bé, xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ; hợp tác xã nông nghiệp sạch Đức Hậu, Lưu Quang, thôn Trung Cao, xã Trung Hòa, huyện Chương Mỹ…

Trồng bưởi hữu cơ, chờ đợi VietGAP

Là một công chức về hưu, nắm bắt được xu thế của thị trường nên trong suốt 10 năm qua, ông Lý Trọng Kỳ (sinh năm 1961, phường Phú Diễn) đã tập trung phát triển vườn bưởi 4 sào theo hướng hữu cơ, sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, thân thiện với môi trường, mong chờ đến ngày được triển khai theo mô hình VietGAP. 

Kỳ vọng về bưởi OCOP, VietGAP của nông dân “thủ phủ” bưởi Diễn
 Ông Lý Trọng Kỳ đang thu hoạch bưởi tại vườn được trồng theo hướng hữu cơ, sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, thân thiện với môi trường.

Theo ông Kỳ, yếu tố thuận lợi khi trồng bưởi của làng Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm chính là đất thịt. Bưởi Diễn khi được trồng và chăm sóc trên vùng đất thịt sẽ cho chất lượng ngon hơn so với trồng trên đồi, đất có chứa nhiều sỏi đá. Phú Diễn lại là vùng đất nằm giữa con sông Hồng và sông Đáy phì nhiêu, phù sa bồi đắp hàng ngàn năm, đất ở vùng này là đất thịt có độ pH thấp, vì thế bưởi Diễn ăn rất thơm ngọt, khác hoàn toàn so với chất bưởi Diễn ở các vùng khác.

Ông Kỳ đã dần chuyển sang chọn trồng bưởi Diễn hữu cơ từ việc chọn phân bón, ông chia sẻ: “Tôi chỉ sử dụng các loại phân bón có trong danh mục được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam. Tuyệt đối không sử dụng phân hữu cơ chưa qua xử lý (ủ hoại mục). Thông thường, tôi sẽ tự sản xuất phân hữu cơ từ đầu mùa vụ và dùng cho đến khi kết thúc”.

Kỳ vọng về bưởi OCOP, VietGAP của nông dân “thủ phủ” bưởi Diễn
 Bưởi Diễn thường trái nhỏ, khi chín có màu vàng đỏ, gốc bưởi càng lâu năm thì tép bưởi càng ngọt. Nếu gốc càng ít tuổi thì trái bưởi ăn sẽ nhạt, không được ngọt đậm.

Không những ưu tiên từ vấn đề phân bón, ông Kỳ cũng tập trung xử lý nguồn nước tưới tiêu đảm bảo tiêu chuẩn. Sử dụng nguồn nước giếng khoan, không dùng nước thải công nghiệp, nước thải từ các bệnh viện, các khu dân cư tập trung, các trang trại chăn nuôi, các lò giết mổ gia súc gia cầm, nước phân tươi, nước giải chưa qua xử lý trong sản xuất. 

“Bưởi Diễn nếu đạt tiêu chuẩn VietGAP chính là chìa khóa đưa nông sản vùng xuất khẩu ra thị trường quốc tế cùng các giống bưởi khác như bưởi da xanh, bưởi Đoan Hùng”, ông Kỳ nhấn mạnh. 

Trước đó, ngày 2-12-2022, Trung tâm Khuyến nông (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội) đã cấp giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn VietGAP cho 5 ha bưởi Diễn sản xuất theo mô hình cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao tại xã Sài Sơn (huyện Quốc Oai, Hà Nội).

Kỳ vọng về bưởi OCOP, VietGAP của nông dân “thủ phủ” bưởi Diễn
Bằng phương pháp hữu cơ, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm được đảm bảo nên bưởi của vườn ông Kỳ dễ tiêu thụ, được giá tốt, từ 35.000-50.000 đồng/quả. 

Có thể thấy, việc mong chờ thương hiệu bưởi Diễn của những nhà vườn ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội là hoàn toàn xứng đáng. Chỉ cần có sự chung tay đồng lòng của chính quyền địa phương và nhà vườn thì đây sẽ là tiền đề quan trọng để những quả bưởi Diễn của làng Diễn tiếp cận sâu rộng hơn với thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước; tiếp tục nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho nông dân. 

Thương hiệu chính là chìa khóa thành công của nhà nông, nó trở thành yếu tố quan trọng giúp sản phẩm của địa phương có một chỗ đứng ổn định, chiếm lĩnh thị trường trong thời kỳ hội nhập. Dù là OCOP hay VietGAP thì đều tạo thêm động lực phát triển sản phẩm bưởi có lợi thế của bưởi Diễn vùng Bắc Từ Liêm, từng bước nâng cao chất lượng, quy chuẩn sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn nhiều thị trường khác nhau.

Tác giả bài viết: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/ky-vong-ve-buoi-ocop-vietgap-cua-nong-dan-thu-phu-buoi-dien-715553

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Thành viên liên kết
HTX Tư vấn thiết kế và xây dựng Việt Nam
bcsmart
Liên hiệp HTX Ocop Việt Nam
GMG
ocopshop
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây