Năm 2019, cả nước thành lập mới 9.500 Tổ hợp tác, nâng tổng số Tổ hợp tác lên 110.000, tăng 11% so với năm 2018, đạt 136% kế hoạch. 2.640 HTX mới thành lập, nâng tổng số HTX hiện nay là 24.618, tăng 12% so với năm 2018, vượt 6% kế hoạch năm 2019. Cả nước cũng thành lập mới 16 Liên hiệp HTX, nâng tổng số Liên hiệp HTX lên 85, tăng 9 Liên hiệp HTX so với năm 2018, trong đó phần lớn là các Liên hiệp HTX nông nghiệp ở các tỉnh, thành phố.
Tăng trưởng cả về chất và lượng
Không chỉ tăng trưởng về số lượng Tổ hợp tác (THT), HTX, Liên hiệp HTX, mà quy mô và hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các HTX, Liên hiệp HTX, THT tiếp tục được cải thiện theo hướng mở rộng quy mô, diện tích, số lượng thành viên. Số HTX hoạt động hiệu quả tăng, năng lực quản trị được nâng lên, quy mô và hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục được cải thiện.
Cụ thể, các THT có tổng 3,4 triệu thành viên, tạo việc làm cho hơn 1 triệu lao động, chủ yếu là lao động thời vụ, doanh thu trung bình đạt 235 triệu đồng/THT. Thu nhập bình quân người lao động đạt 2,3 triệu/người/ tháng. Các HTX có tổng số 7,2 triệu thành viên, tạo việc làm cho 2,44 triệu lao động với thu nhập bình quân đạt 44,5 triệu/người/năm, tăng 8 triệu đồng/người năm 2018. Tổng vốn điều lệ của các HTX đạt 37 nghìn tỷ đồng, tổng tài sản đạt 189 nghìn tỷ đồng, tăng 16 nghìn tỷ đồng so với năm 2018.
Số lượng và chất lượng hoạt động cung ứng dịch vụ đầu vào, đầu ra cho các thành viên tăng so với năm 2018, củng cố, tạo niềm tin và tăng mối liên kết, gắn bó thành viên. Kinh tế hợp tác (KTHT), HTX tiếp tục phát triển đều khắp trên các vùng miền. Nhiều địa phương nhận thức đúng vai trò, vị trí của mô hình HTX, dẫn đầu phong trào thành lập mới, phát triển HTX gắn với nhu cầu thị trường và định hướng phát triển bền vững. HTX kiểu mới gắn với sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị ngày càng được mở rộng cả về số lượng và quy mô, trở thành xu thế chuyển đổi phương thức tổ chức sản xuất của các HTX.
Để có sự tăng trưởng cả về số lượng và chất lượng, các HTX, Liên hiệp HTX và THT đã có sự chủ động, tích cực vươn lên, vượt qua khó khăn, thách thức, tìm kiếm cơ hội, mở rộng thị trường để tìm kiếm đầu vào và đầu ra cho sản phẩm của mình.
Tiếp tục đồng hành với KTHT, HTX
Một số địa phương đang triển khai thí điểm đưa cán bộ trẻ về HTX như Hà Giang, Hà Tĩnh, Lào Cai, Thừa Thiên - Huế, Nghệ An, Khánh Hòa... đã tạo ra sự tích cực trong nhân sự, quản trị của HTX. Những cán bộ trẻ, có năng lực, trình độ, kiến thức, dám nghĩ, dám làm để có sự thay đổi mang tính bứt phá cho phát triển KTHT, HTX, nhất là đối với lĩnh vực nông nghiệp.
Mặc dù KTHT, HTX thời gian qua phát triển đúng hướng, tăng cả về chất và lượng, song vẫn chưa đạt được kỳ vọng đề ra, nhất là tỷ lệ HTX hoạt động hiệu quả mới chỉ đạt 55% so với kế hoạch của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Liên minh HTX Việt Nam đề ra là 60%. Năng lực nội tại của nhiều HTX còn yếu, lúng túng trong định hướng hoạt động, đầu ra không ổn định, chi phí lớn nên lợi nhuận thấp. Thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa HTX và thành viên.
Để KTHT, HTX phát triển nhanh, bền vững, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế xã hội năm 2020 của đất nước, cần thực hiện một số giải pháp như: Vận động, khuyến khích tầng lớp thanh niên tiếp thu tiến bộ khoa học công nghệ, tham gia khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo theo mô hình HTX. Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực phát triển KTHT, HTX; đẩy mạnh xây dựng và nhân rộng các mô hình hợp tác, liên kết, phát triển sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị gắn với hình thành các vùng sản xuất hàng hóa lớn các sản phẩm chủ lực của quốc gia, của vùng và địa phương. Đẩy mạnh cho vay Quỹ Hỗ trợ Phát triển HTX, tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX tham gia các chương trình dự án phát triển kinh tế xã hội ở địa phương...