Ông Lê Quang Trung - Tổng giám đốc Liên Hiệp Hợp tác xã Việt Nam - nguyên Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) - cho biết, dịch COVID-19 đã tác động mạnh mẽ thị trường lao động ở nước ta. Hàng triệu người sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp, trong đó nhiều doanh nghiệp đã cho người lao động nghỉ việc trong thời gian qua.
Bên cạnh đó, mỗi tháng, có khoảng 80.000 người lao động quay trở lại làm việc.
Tuy nhiên, ông Trung nhận định, ảnh hưởng dịch COVID-19 đến thị trường lao động ở nước ta còn kéo dài.
"Không chỉ do thiếu nguyên liệu, không tiêu thụ hàng hoá, mà nhiều doanh nghiệp thay đổi phương thức sản xuất để đáp ứng cho thời kì mới. Vì vậy, thời gian tới đây nhiều doanh nghiệp có thể sa thải số lượng lao động lớn, đặc biệt lĩnh vực gia công, dịch vụ, sản xuất theo chuỗi sẽ bị ảnh hưởng"- ông Trung nói.
Trước thực trạng trên, ông Trung cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước cần nắm rõ tình hình biến động lao động ở địa phương, đồng thời phân tích được nguyên nhân dẫn đến người lao động bị sả thải, thậm chí kiểm soát việc trên.
Những cơ quan này hướng dẫn doanh nghiệp làm đúng quy định pháp luật về lao động. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần có phương án cụ thể sử dụng lao động. Trên cơ sở phương án của các doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước cùng doanh nghiệp có phương án tối ưu nhất về sử dụng lao động.
Trong trường hợp phải sa thải lao động, theo ông Trung, doanh nghiệp phải có kế hoạch, phối hợp Sở Lao động, Thương binh xã hội, Liên đoàn lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm trên địa bàn để giải quyết chế độ cho người lao động.
Với người lao động đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ phối hợp với trung tâm dịch vụ việc làm hưởng chế độ này.
Cơ quan quản lý nhà nước chỉ đạo trung tâm dịch vụ việc làm cùng phối hợp tổ chức công đoàn nắm chắc số lượng lao động bị sa thải để có kế hoạch đào tạo, tư vấn, giới thiệu việc làm.
"Bên cạnh đó, người lao động cần tìm hiểu quy định pháp luật giải quyết các chế độ khi thôi việc, chấm dứt hợp đồng lao động. Người lao động chủ động nghiên cứu thông tin thị trường lao động ở địa phương phù hợp khả năng của mình. Nếu có việc làm, người lao động nên xin việc ngay, hoặc tham gia các khoá học nghề để nâng cao trình độ".
Ông Trung cho rằng, trong thời gian tới, xu hướng đầu tư nước ngoài của Việt Nam rất lớn. Tận dụng thời gian này, người lao động nên nâng cao trình độ để đáp ứng được những vị trí việc làm trong tương lai.
Như Lao Động đã đưa tin, theo báo cáo của Công ty Pou Yuen với các cơ quan chức năng của Quận Bình Tân vào ngày 18.6, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, đơn hàng của công ty giảm mạnh, không xác định sẽ kéo dài đến khi nào.
Từ 2 tháng qua, công ty đã thực hiện nhiều biện pháp như điều độ sản xuất, sắp xếp công nhân nghỉ luân phiên chờ việc…,tuy nhiên tình hình đơn hàng đến quý 3, 4 vẫn chưa khả quan, nên phải cho 2.786 công nhân nghỉ việc. Việc cho công nhân nghỉ việc này đã được báo cáo với công đoàn cơ sở và nhận được sự đồng ý.
Công ty sẽ không chấm dứt hợp đồng lao động với các công nhân yếu thế như lao động diện hộ nghèo, lao động khuyết tật, trường hợp lao động cùng trong gia đình và các trường hợp không được chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật.
ANH THƯNguồn tin: Báo Lao động
Ngày 10/10/2023
Ngày 06/05/2023
Ngày 31/03/2023
Ngày 31/03/2023
Ngày 31/03/2023