Quả măng cụt Lái Thiêu vỏ nhẵn bóng, không sần sùi, không nứt, màu đỏ đen hoặc đỏ nhạt. Măng cụt Lái Thiêu khác măng cụt các vùng với cuống ngắn, trái không tròn đều, màu sắc không bắt mắt nhưng vỏ mỏng hơn và có vị ngọt thanh pha lẫn chút vị chua dịu, thịt quả mềm, mịn.
Cây măng cụt không ra hoa thành từng chùm mà mỗi cành chỉ có một hoa, đậu một trái. Tháng 12, tháng 1, cây bắt đầu ra hoa, tới tháng 5 bắt đầu cho thu hoạch. Mùa thu hoạch kéo dài khoảng 3 tháng. Ngoài ăn tươi thì trái măng cụt còn dùng để chế biến thành sinh tố, kem cùng một số món ăn hấp dẫn, trong đó đặc biệt là món gỏi tôm thịt, gỏi gà măng cụt.
Măng cụt Lái Thiêu đã được tổ chức Kỷ lục Việt Nam vinh danh trong tốp 50 đặc sản trái cây nổi tiếng của Việt Nam. Năm 2013, măng cụt Lái Thiêu được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận nhãn hiệu tập thể. Măng cụt Lái Thiêu được bán tại các siêu thị, chợ truyền thống và các sàn thương mại điện tử uy tín.
Khác với nhiều loại quả khác cần được giải cứu, trái măng cụt ở vùng Lái Thiêu, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương năm nay lại tăng giá trong mùa dịch với hơn 10.000 đồng/kg so với năm 2020.
Theo các nhà vườn ở thành phố Thuận An, sản lượng măng cụt năm nay giảm 30-40% so với vụ mùa năm trước.
Tại các phường An Thạnh, Hưng Định, Bình Nhâm và xã An Sơn, giá trái đặc sản này cao nhất lúc đầu vụ là 120.000 đồng/kg, thấp nhất lúc giữa vụ là 60.000 đồng/kg, tăng từ 10.000-20.000 đồng/kg so với mọi năm.
Trong nhiều năm qua, trái cây măng cụt Lái Thiêu đã được nhiều người biết đến và nằm trong danh sách top 50 trái cây ăn trái đặc sản Việt Nam.
Hiện nay, diện tích măng cụt trên địa bàn thành phố Thuận An có 661ha, chiếm trên 53,3% diện tích vườn cây ăn trái của thị xã.
Ông Trần Văn Viễn, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp An Sơn, xã An Sơn, thành phố Thuận An, cho biết thông thường măng cụt đậu trái vào tháng 12 hoặc tháng 1 âm lịch và thu hoạch quả vào cuối tháng Tư đến tháng Năm âm lịch. Nhưng năm nay trái măng cụt đã trổ bông sớm hơn, tuy nhiên, do thời tiết đang nắng nóng kéo dài lại gặp mưa đột ngột khiến cây rụng nhiều trái. Vì vậy, sản lượng thu hoạch sẽ không thuận lợi như dự tính.
"Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp An Sơn có 11 thành viên có tổng diện tích trồng măng cụt 21ha, năm nay thu hoạch khoảng 15 tấn. Do ảnh hưởng dịch, các thương lái không còn đi thu mua, gom hàng. Măng cụt không xuất đi nước ngoài, hợp tác xã chủ yếu tự tìm nguồn khách bán lẻ thông qua các kênh online, Zalo, Facebook tại các điểm cầu như: Vũng Tàu, Hà Nội, Hải Phòng với giá dao động từ 60.000-120.000 đồng/kg mà vẫn hết hàng," ông Viễn chia sẻ.
Còn tại vườn hơn 170 cây măng cụt của ông Phạm Văn Châu, xã An Sơn, thành phố Thuận An năm nay cả mùa vụ thu thêm về cho gia đình hơn 20 triệu đồng.
Ông Châu chia sẻ do trái măng cụt chỉ ra theo mùa vụ, một năm có 1 lần, không thể đáp ứng đủ nhu cầu của người tiêu dùng.
Ông mong muốn các nhà phân phối măng cụt sẽ xây dựng được nhà máy thu gom và có các cách thức bảo quản trái măng cụt để có thể đưa ra thị trường trái cây đặc sản này quanh năm.
Ông Nguyễn Việt Long, quyền Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Dương, cho biết thời gian qua, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh đã triển khai nghiên cứu đề tài “Nghiên cứu bảo tồn và phát triển nguồn gen cây măng cụt ở tỉnh Bình Dương.”
Mục tiêu đề tài nhằm điều tra, đánh giá và khảo sát hiện trạng cây măng cụt trên địa bàn tỉnh bằng phương pháp truyền thống kết hợp với kỹ thuật sinh học phân tử hiện đại để chọn được những giống tốt có độ thuần cao.
Từ đó, tuyển chọn những cây giống đầu dòng tốt cho sản xuất và những cây giống địa phương có giá trị khác nhằm phục vụ bảo tồn và phát triển nguồn gen cây măng cụt của tỉnh. Bên cạnh đó tỉnh cũng nghiên cứu để đưa các thành tựu khoa học công nghệ vào trồng trọt, chăm sóc cây măng cụt.
Ngoài ra, ngành khoa học và công nghệ cũng đã triển khai Dự án “Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Măng cụt Lái Thiêu” thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương”; dự án “Phát triển cây ăn quả đặc sản gắn với quản lý, sử dụng nhãn hiệu tập thể “Măng cụt Lái Thiêu” ở Thuận An, tỉnh Bình Dương. Các đề tài, dự án đều phục vụ thiết thực cho trái măng cụt.
Trong thời gian tới, cùng với nhiệm vụ triển khai sử dụng và quản lý nhãn hiệu, tỉnh cũng tăng cường chỉ đạo các ngành chức năng đẩy mạnh chuyển giao khoa học-kỹ thuật trong sản xuất cho nông dân; kết nối với doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất, đặc biệt chú ý chế biến sản phẩm sau thu hoạch để tạo ra giá trị cao nhất cho nông dân.
Tỉnh phối hợp các ngành chức năng đẩy mạnh xúc tiến thương mại để quảng bá, giới thiệu sản phẩm măng cụt ra thị trường.
Nguồn tin: Tổng hợp
Ngày 10/10/2023
Ngày 06/05/2023
Ngày 31/03/2023
Ngày 31/03/2023
Ngày 31/03/2023